“Cái chết là một thứ lạ lùng. Người ta sống cả đời như thể nó không tồn tại, thế nhưng nó là một trong những lý do quan trọng nhất để sống. Một số người trong chúng ta nhận thức rõ về cái chết đến nỗi sống mạnh mẽ hơn, bướng bỉnh hơn, điên cuồng hơn. Một số cần sự hiện diện thường xuyên của nó để cảm thấy mình đang sống. Số khác bị ám ảnh bởi cái chết đến nỗi họ ngồi đợi nó rất lâu trước khi nó tới. Chúng ta sợ chết, nhưng đa phần chúng ta sợ nhất là khi nó đem một ai đó đi mất chứ không phải chính chúng ta. Bởi lẽ nỗi sợ hãi lớn nhất khi đối mặt với cái chết là việc nó sượt qua chúng ta. Và bỏ lại chúng ta một mình.”

Khi đọc những dòng này trong “Người đàn ông mang tên Ove”, mình đã gật gù tâm đắc. Nhưng khi đọc xong “Quái vật ghé thăm”, mình phải ngẫm lại, nó đúng nhưng chưa đủ. Chắc hẳn mọi người  đã đọc nhiều về những người phải đối diện với cái chết của chính mình. Còn “Quái vật ghé thăm” là quá trình một người phải đối diện với cái chết của một người khác. Một câu truyện không dài nhưng  làm ta phải suy nghĩ nhiều điều. Đây là một trong những quyển sách hay nhất mà mình đọc trong năm 2019. Cùng mình xem review chi tiết “Quái vật ghé thăm” nhé.

Quái vật ghé thăm
Bìa sách: Quái vật ghé thăm

Đôi nét về tác giả Patrick Ness

Patrick Ness (17-10-1971) là một tác giả, nhà báo, giảng viên và nhà biên kịch người Mỹ gốc Anh.

Quái vật ghé thăm được Patrick Ness viết dựa trên ý tưởng gốc của Siobhan Dowd – người đã qua đời vì bệnh ung thư mà chưa hoàn thành cuốn sách, được Nhã nam dịch và xuất bản tháng 12-2016.

Giải thưởng: Carnegie Medal, Guardian Children’s Fiction Prize, Costa Children’s Book Award, James Tiptree Jr. Award

Đôi điều cảm nhận về sách Quái vật ghé thăm

Đầu tiên phải có lời khen Nhã Nam, sách quá đẹp, đáng đồng tiền bát gao. In bóng và tranh minh họa của Jim Kay cực đỉnh. Lúc mới nhìn tên và bìa sách mình cứ tưởng truyện kinh dị, nhìn như kiểu quái vật dọa người, nên mình né. Nhưng thực ra không hẳn là kinh dị. Tưởng là truyện viết cho thiếu nhi nhưng thực chất lại dành cho tất cả mọi người.

Truyện kể về cậu bé Conor 13 tuổi, sống với mẹ bị ung thư đang điều trị trong vô vọng, người  bố đang sống tại Mỹ với gia đình mới. Cứ sau nửa đêm, đúng 12:07 phút, một con quái vật bước ra với hình dáng cây thủy tùng phía sau nhà cậu – con quái vật đã chịu cất bước sau khi nghe tiếng gọi trong vô thức của cậu. Con quái không muốn doạ dẫm hay làm gì cậu cả. Nó chỉ muốn kể truyện cho câu nghe. Tất nhiên, thường thì đời chẳng ai cho không ai cái gì. Đổi lại, con quái yêu cầu cậu kể cho nó câu chuyện của cậu.

Văn phong của Patrick Ness không thể chê vào đâu được. Từng câu từng từ đều được chọn lựa kỹ càng . Nhà văn có lối viết vừa gấp gáp, vừa tăm tối, vừa thu hút. Cuốn sách là một sự kết hợp hoàn hảo giữa kì ảo và thực tế, vốn là cách của tác giả để giải thích một điều khó mà hiểu được: tâm lý phức tạp của con người. Đây là một câu chuyện cảm động và thực tế một cách cay đắng khi con người ta phải đối mặt với “sự thật”.

Điểm nhấn đặc biệt cũng là điều mà mình phải căng não là 3 câu chuyện con quái vật kể. Khi đọc mình cũng liên tưởng đến câu chuyện về bảo bối tử thần trong Harry potter. Nó làm mình cảm thấy có quá nhiều mặt của sự việc, không có gì tốt hẳn, không có gì xấu hẳn, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh. Không dễ để nói ai tốt ai xấu, bàn tay cũng có hai mặt, bản chất con người ta thường có cả hai tính cách ấy. Đọc mà mình thấy hoang mang, có lẽ trước giờ mình nhìn đời quá đơn giản chăng.

Một hành trình đầy đau đớn với việc đối mặt, chấp nhận sự ra đi của người thân mà Conor yêu nhất: Tác giả miêu tả tâm lí nhân vật tuyệt vời, không chỉ có đau buồn, sợ hãi, còn vô vàn cảm xúc khác mà chắc chỉ có ai trong hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu hết được. Chấp nhận mất mát, nghe  có vẻ thật lạnh lùng, nhưng không, chấp nhận mất mát không có nghĩa là không nuối tiếc, không đau buồn. Vì “Quái vật ghé thăm” cũng là một câu chuyện về tình thương yêu. Có những lúc Conor mệt mỏi vì việc phải chăm sóc mẹ, vì dù có cố gắng thế nào mẹ cậu cũng không khá lên, vì phải chứng kiến mẹ cậu dần tuột khỏi tay cậu, đến mức đã có lúc cậu ước con quái vật trong giấc mơ mau chóng mang mẹ cậu đi và cậu đã buông tay, không níu giữ nữa. Conor luôn bị dày vò  và đau đớn vì đã ước như thế.  Nhưng mặc cho điều ước đó, cậu vẫn luôn yêu mẹ. Câu cuối cùng cậu nói với mẹ bên giường bệnh là: “Con không muốn buông tay mẹ ra đâu.” Conor đã chấp nhận sự ra đi của mẹ, nhưng thế không có nghĩa là cậu không yêu mẹ. Conor thấy bất lực, tổn thương, cậu muốn mọi thứ hãy kết thúc thật nhanh. Cậu không muốn thấy mẹ đau đớn mỗi ngày, cậu không muốn những ánh nhìn thương hại của người khác. Con quái vật chính là con quái vật bên trong cậu, nó giúp cậu nhận ra và chấp nhận sự thât. Ai cũng có một mặt tối đớn hèn ẩn sâu trong lòng, ai cũng có những mâu thuẫn trong nội tâm mình, học cách hiểu, rồi chấp nhận vốn là một hành trình gian nan.

“Quái vật ghé thăm” là một câu chuyện cổ tích lạ lùng, buồn đau nhưng  nhân văn. Nó là câu chuyện dành cho những ai đang phải chịu đau đớn vì những mất mát để can đảm đối diện với con quái vật bên trong mình, cũng như những người đang hạnh phúc, để họ biết và trân trọng những thứ mình đang có.

Trích dẫn nổi bật của sách Quái vật ghé thăm

1, “ Bởi lẽ con người là một sinh vật phức tạp, con quái vật nói. Làm sao một hoàng hậu vừa có thể là một phù thủy tốt bụng lại vừa là một phù thủy xấu xa? Làm sao một hoàng tử vừa có thể là một kẻ giết người lại vừa là một vị cứu tinh? Làm sao một dược sư vừa có thể sở hữu tính khí xấu xa lại vừa có suy nghĩ đúng đắn? Làm sao một vị mục sư vừa có thể có những suy nghĩ lệch lạc lại vừa sở hữu một trái tim nhân hậu? Làm sao những con người vô hình lại có thể khiến bản thân đơn độc gấp bội khi được nhìn thấy?

Ngươi không viết về cuộc sống của mình bằng từ ngữ, con quái vật nói. Ngươi viết về cuộc sống của mình bằng hành động. Ngươi nghĩ gì không quan trọng. Ngươi làm gì mới thực sự quan trọng.”

2, “ Các câu chuyện là những sinh vật hoang dã, con quái vật bảo. Khi ngươi để chúng thoát ra, ai mà biết được chúng có thể tàn phá những gì?”

3, “Có những chuyện còn tồi tệ hơn cả việc trở thành kẻ vô hình.”

4, “ Niềm tin là phân nửa của sự chữa lành.”

Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.