“Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên.”

Cái duyên làm mình say mê sách là khi được đọc “Kính Vạn Hoa” của bác Ánh, cái thời mà ở quê không hề biết có sự tồn tại của sách luôn ý, chỉ biết có sách giáo khoa với sách tham khảo thôi.  Tự nhiên vào một ngày đẹp trời, cạnh nhà mình mở một cái thư viện miễn phí. Trời ơi, cơ man là sách. Rồi sau đó là những tháng ngày vùi đầu quên ăn quên ngủ đọc mê mẩn. Không ngoa khi nói bác Ánh là cả một tuổi thơ của mình. Và mình tin rằng là cả một tuổi thơ của nhiều người khác.  Và chẳng có lí do gì mà mình không review sách của bác cả. Hôm nay mình không chọn những quyển đã đi cùng mình những năm tháng tuổi thơ, mà mình chọn một quyển mình mới đọc gần đây thôi. Không còn là cô bé lớp 8 hồi đó nữa, mình đọc quyển này với cái nhìn của một người chưa đủ trưởng thành nhưng đã có đôi phần chín chắn hơn. Cùng mình bước vào vũ trụ của bác Ánh với bản review “Còn chút gì để nhớ” nhé.

Còn chút gì để nhớ
Bìa sách: Còn chút gì để nhớ

Đôi nét tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh ( 7-5-1955) sinh tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi,  Nguyễn Nhật Ánh có nhiều sáng tác từ truyện dài đến truyện ngắn, tạp văn, thơ.  Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng.

Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Các tác phẩm tiêu biểu: Kính Vạn Hoa, Trại hoa vàng, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hạ đỏ, Hoa hồng xứ khác, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Còn chút gì để nhớ

Đôi điều cảm nhận về sách Còn chút gì để nhớ

“Còn chút gì để nhớ” không phải là cuốn sách hay nhất của bác Ánh đối với mình nhưng là quyển da diết nhất, da diết hơn cả “Mắt biếc” . Truyện kể về Chương – một chàng sinh viên từ Bắc vào Nam để thi và học đại học. Chương đem lòng yêu Quỳnh- cô bé hàng xóm dễ thương. Tưởng chừng hai người đã có một mối tình đẹp, nào ngờ sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình Quỳnh – một gia đình cách mạng tiêu biểu đã ngăn cấm tình yêu này vì lí do ba Chương từng là một quan chức cho chính quyền tay sai, quan điểm chính trị của người lớn đã chia cắt mối  lương duyên vừa chớm nở này.

Văn phong của bác Ánh lúc nào cũng vừa đủ, giản dị vừa đủ, hài hước vừa đủ, chân chất vừa đủ. Cái đủ làm người ta vừa lòng. Cốt chuyện thường khá đơn giản, luôn là những câu chuyện gần gũi mộc mạc của tuổi mới lớn với đủ vui buồn, hờn giận, những câu chuyện khiến bất kì ai đọc cũng thấy mình trong đó. Giọng văn chân chất của người Quảng Nam dễ làm người ta cảm mến, muốn đọc, muốn thương.

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở: Ai cũng sẽ có hoặc đã đi qua thời thanh xuân đẹp đẽ “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa.” Và có lẽ ai cũng có một mối tình thuở thiếu thời để nhớ về.  Ai đó  đã từng nói “Yêu đúng người là tình yêu, yêu sai người là tuổi trẻ.” Cũng như những cuộc tình khác, Chương và Quỳnh cũng trải qua nhiều kỷ niệm đẹp, từ những khoảnh khắc nhỏ như khi Chương đạp  xe chở Quỳnh đi học hay khoảnh khắc Chương hái hoa cho Quỳnh bị chủ nhà bắt gặp, từ những nhút nhát ban đầu đến những lần dạy kèm cho Quỳnh Một tình yêu không cần nói thành lời mà ai cũng cảm nhận được. Nhưng cũng chính vì không nói, mà người ta có cớ để rời xa nhau.“ Em chưa bao giờ nói yêu anh Chương, anh Chương cũng chưa bao giờ nói yêu em, nên không thể  bảo em phản bội anh ấy được.” Thật ra tình yêu trong tác phẩm  này nó dễ thương, nhưng đó không phải  là điều làm mình day dứt, không phải là điều mình quá tiếc nuối.

Mình thật sự không ấn tượng nhiều với hai nhân vật chính. Chương là người khá nhút nhát, chân thật, không có điểm gì quá nổi trội. Còn Quỳnh thì ban đầu, mình đã có thiện cảm, hồn nhiên trong sáng. Nhưng đến cuối thì mình thất vọng. Mình hiểu được tại sao, nhưng mình không  thích tính cách đó. Lúc hạnh phúc bình yên, Quỳnh bên Chương, lúc khó khăn sóng gió, Quỳnh dễ dàng chọn một lối đi bằng phẳng hơn. Một con người không muốn đấu tranh, ngay cả trong tình yêu, ngay cả cho hạnh phúc của chính mình. Muốn nhưng không dám chịu khổ, không dám đi theo trái tim mình. Mình không tiếc nuối cho tình yêu này, có chăng mình chỉ tiếc cho Chương. Nhưng có lẽ, tình đầu là thế, thanh xuân là thế. Người không chịu cùng bạn khi khó khăn, lấy  tư cách gì cùng bạn khi hạnh phúc.

Trong truyện mình lại cực kỳ ấn tượng với hai nhân vật phụ, hai người bạn của Chương, là Trâm và Kim Dung. Trâm là chị gái của Quỳnh, mọt con người đanh đá, bộp chộp, không nhẹ nhàng ý tứ như Quỳnh. Mình đọc đủ nhiều để đem lòng yêu quý những nhân vật như Trâm, giống như Rosa trong “Kẻ trộm sách”, giống như Nguyệt trong “Em là nhà”. Những người mà cách cư xử bên ngoài chẳng nói lên điều gì bên trong, ấm áp và đáng trân trọng. Mình đã không khóc vì mối tình dang dở của Chương và Quỳnh, nhưng mình khóc vì bức thư của Trâm. Có lẽ sau này mình có thể quên Chương quên Quỳnh, nhưng mình sẽ mãi nhớ Trâm-chân thành và đáng khâm phục . Còn Kim Dung, cá tính, hào sảng -một kiểu người mà mình luôn ngưỡng mộ, ngay cả bây giờ cũng khó mà tìm được người bạn như vậy. Đọc truyện mình cứ mong Chương yêu Kim Dung đi, kiếm đâu ra người tốt vậy, nhưng đời là vậy, tình yêu là vậy, nếu nói tốt mà yêu thì đã không phải tình yêu.

Ngoài tình yêu, tình bạn trong truyện, mình còn thấy tình thân và tình làng xóm, gia đình bác Tám đã từng coi Chương như con, nhưng mình buồn thay cho những người thời đó, và cho cả những người bây giờ nữa. Bác Ánh đã rất khéo léo lồng ghép yếu tố chính trị vào câu truyện, phải nói là chất hơn nước cất. Ngày 30/4 đến, ngày mà đất nước được thống nhất thì chuyện tình đẹp giữa Quỳnh và Chương cũng đã đến lúc chia xa. Mình vẫn còn ngậm ngùi khi nhớ đến câu nói của Chương “Ba tôi đi học tập thì sao, gia đình cách mạng thì sao, tôi có trách nhiệm gì trong chuyện ấy.” nghe mà ngậm ngùi chua xót. Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng qua “Còn chút gì để nhớ”, mình cảm nhận được đúng là “vào cái ngày có hàng triệu người vui thì vẫn còn hàng triệu người buồn.”

“Còn chút gì để nhớ”, cái “chút” ở đây là thanh xuân, là kỉ niệm, là bóng dáng của con người cũng như Sài Gòn năm ấy. Hãy đọc “Còn chút gì để nhớ” để nhớ về tuổi trẻ, hoặc để trân trọng tuổi trẻ cũng như những người từng có duyên gặp gỡ, để biết dũng cảm hơn một chút trong cái thế giới còn nhiều những người hời hợt như Quỳnh.

Trích dẫn nổi bật của sách Còn chút gì để nhớ

1, “Đôi khi chạy ngang tiệm may, tôi vẫn nhìn thấy Quỳnh. Có một lần, vâng, chỉ có một lần thôi, tôi dừng xe lại đứng nói chuyện dăm ba câu với Quỳnh trước cửa . Thú thật đó là những câu chuyện nhạt phèo, chán ngắt nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn vào mắt Quỳnh, tôi bỗng cảm thấy bồi hồi, xao xuyến lạ lùng chẳng khác nào tôi đang đứng trước Quỳnh mười lăm năm về trước. Đúng là lạ lùng, bởi vì tôi biết chắc rằng tình yêu của tôi đối với Quỳnh thực sự đã chết từ lâu .

Khi đạp xe đi, bỗng dưng tôi bâng khuâng tự hỏi, rằng không biết trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ hay không.”

2, “Ba tôi đi học tập thì sao, gia đình cách mạng thì sao, tôi có trách nhiệm gì trong chuyện ấy..”

3, “Cũng chính vì tâm trạng nặng nề đó mà hôm nay tôi tình nguyện ra mặt trận mặc dù mẹ tôi khóc lóc và ba tôi tìm đủ mọi cách để ngăn cản. Nhưng tôi không phải là con Quỳnh. Tôi đã quyết đi là đi cho bằng được !”

4, “Tôi hoàn toàn thất vọng khi nhận ra nó là một đứa con gái hời hợt, vô tâm, thích được chiều chuộng và không hề có trách nhiệm với ai kể cả với chính bản thân mình. Vì vậy, tình yêu mà nó dành cho anh trước đây là có thật nhưng không sâu sắc, sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào nếu gặp sóng gió. ”

> Đọc truyện tại đây: https://thienduongtruyen.com/con-chut-gi-de-nho-4547/

Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.