Ăn gì cho không độc hại – Pha Lê – Một cuốn sách dành cho những người muốn tìm hiểu về sức khỏe và dinh dưỡng.
Mặc dù tác giả đã nói: “ Tôi không có ý định thay đổi ai. Quá nhiều người đang muốn làm chuyện này rồi. Cuốn sách chỉ đưa ra hướng dẫn, giúp người muốn tìm hiểu về sức khỏe và môi trường có một cái nhìn khác. Tức tôi có thể đưa ra hướng cho người đọc yên tâm đi, nhưng đầu tiên họ phải muốn đi cái đã.”, nhưng tác giả đã thay đổi được suy nghĩ của mình ở một vài điểm nhất định. Cùng mình xem review “Ăn gì cho không độc hại” nhé.
Đôi nét tác giả Pha Lê:
Pha Lê tốt nghiệp đại học Brunel (Vương Quốc Anh) và lấy bằng thượng cấp Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu danh giá.
Vốn là đứa trẻ vụng về, yếu đuối và khó nuôi nhất trong lịch sử nhà trẻ 19/5, rồi xém học lại lớp một vì nghỉ bệnh quá nhiều, Pha Lê hiện nay đã rất khỏe mạnh và hết vụng về trong nhà bếp, trở thành cây bút cho báo “Tuổi Trẻ cuối tuần” và trang Soi. Tất cả là nhờ những người nông dân thật thà, cần cù trồng trọt chăn nuôi thực phẩm không độc hại cho Pha Lê ăn.
Đôi điều cảm nhận sách Ăn gì cho không độc hại:
Văn phong của Pha Lê dễ hiểu, thu hút, lại duyên dáng. Nhưng cũng có nhiều lúc phải giật mình vì một câu nói vu vơ châm biếm đột nhiên xuất hiện. Não mình nhảy tưng lên một cái, cảm giác tác giả rất có khiếu hài hước. Nhiều lúc mình đã bật cười thành tiếng luôn. Đúng là cái gì hài hước cũng dễ đi vào đầu! Tác giả đã tham khảo tìm hiểu rất nhiều để có thể viết cuốn sách này (tài liệu tham khảo hơn 3 tờ giấy luôn), kiến thức rất phong phú.
Sách chia làm 6 chương, với những cái tên rất thu hút và gây tò mò: Ăn tạp thời đồ đá; Bệnh tật, một lịch sử; Hành trình đi tìm chất X; Những vụ án oan của thế kỉ; Thế ăn chay của loài ăn tạp; Nông trang du ký của Cù Lần. Cái thu hút nữa là cách đặt tên cho mỗi bài viết, thay vì phần 1, phần 2, tác giả đặt là món thứ nhất, món thứ hai, rồi thì món phụ, món tráng miệng.
Đọc sách dinh dưỡng mà biết thêm luôn cả về lịch sử, địa lý, khoa học. Còn gì bằng! Chính vì thế, mà dù là sách về dinh dưỡng, nhưng đọc cuốn hút lắm, không khô khan học thuật, cầm lên là đọc một mạch liền. Cách đặt tiêu đề khá nhây của tác giả làm người ta tò mò muốn đọc như: Suýt nữa thì hoàng kim; Bị cáo con bò; Bống ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, bống sẽ mập ra; Ăn gì để già khú đế hay Môi trường xanh liệu có cần Chúa Tể Hắc Ám…
Tác giả đề cập đến khá nhiều vấn đề gây tranh cãi với những lí lẽ logic, thuyết phục. Về những loại vitamin A, B, C, D…; về dầu, mỡ, đường, đậu nành; về thịt, sữa; về ăn chay, ăn thuần chay… Mình hầu như bị thuyết phục bởi tất cả những điều tác giả nêu ra. Không chỉ nói suông, mà rất khách quan, những dẫn chứng cụ thể, khoa học, phân tích theo từng thời kì lịch sử, gắn liền với sự tiến hóa của con người.
Đặc biệt, chị cũng luôn nhấn mạnh rằng ăn gì không quan trọng bằng việc món ăn đó được trồng và chế biến như thế nào. Ví dụ như việc thịt bò ăn rất tốt, bổ sung nhiều vitamin nguồn đạm dồi dào. Tuy nhiên, bò là loài ăn cỏ, nhưng trong thời đại công nghiệp ngày nay, người ta chủ yếu nuôi bò bằng đậu nành, bắp (những thứ vốn dĩ không dành cho bò ăn), dẫn đến việc thịt bò mất đi giá trị đáng có của nó, và thậm chí còn trở nên độc hại vì đậu nành bò ăn thường nhiễm GMO.
Những điều như thế xảy ra tương tự với sữa bò hay các loại gia súc, gia cầm khác, và thậm chí là ngành trồng trọt, khi con người lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng thay vì thuận theo quy trình “không rác thải” của tự nhiên. Nó giúp mình nhìn nhận tận gốc của vấn đề, không chỉ là “thịt” có tốt không “cá” có tốt không, mà là thịt, cá được nuôi bằng gì, cái đó có tốt không và được nuôi như thế nào. Chị đề cao sự cân bằng, cân bằng giữa các nguồn dinh dưỡng, cân bằng giữa trồng trọt chăn nuôi với bảo vệ môi trường. “Thuận tự nhiên” nên là cách làm phải hướng tới, chứ không phải thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, kháng sinh.
Một điểm hay ho của quyển sách này nữa là chương cuối cùng, phần mà chị đã đi đến một vài trang trại để xem, thăm quan, tìm hiểu cách người ta trồng trọt, chăn nuôi và mang đến cho độc giả những câu chuyện người thật việc thật. Không những tìm để có nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho bản thân chị mà còn để chứng minh rằng ngoài kia có nhiều người đang làm và phát triển được mà không cần chạy theo những nhu cầu lợi nhuận và chạy đua công nghiệp hiện nay. Kèm theo đó là những bức ảnh chân thực nơi những nông trại đó (mà mình đã mong nó được in màu).
Mình cũng rất thích tư tưởng của tác giả trong phần kết, ăn là phải vui, đã không vui thì dù ăn ngon cỡ nào cũng khó tốt được. Cho nên việc ép con nhỏ ăn hay chuyện “giáo huấn” con cái nặng nề trong bữa ăn là những việc không nên làm.
Mấy bạn tín đồ của một chế độ ăn uống cụ thể nào đấy cần đọc sách này với tâm hồn rộng mở. Như kiểu mình có xem một bạn booktuber review quyển sách này rồi nói chương ăn chay chị viết không còn khách quan nữa, mà viết chủ quan quá. Với mình thì thấy vẫn khách quan như thường, chị không có ý kiến gì nhiều với việc ăn chay, chị chỉ muốn nói nếu ăn chay phải chú ý bổ sung những chất còn thiếu thôi. Nhưng có lẽ vì mình không ăn chay nên mình cũng đang nhận định chủ quan thì sao. Nên là, cái gì hợp lí với suy nghĩ của mình thì tiếp thu, không thì bỏ qua cũng không sao cả. Chỉ là nên tìm hiểu thêm để “không chết vì thiếu hiểu biết” thôi.
Tóm lại, nội dung sách nhấn mạnh: Con người là loài ăn tạp nên hãy ăn phong phú, hãy quan tâm đến cách nuôi, cách trồng trọt, chế biến và khí hậu vùng miền, lịch sử địa phương của thứ mình ăn vào hơn là nghe các lời lẽ tẩy chay cái này, thần thánh hoá cái kia. Một cuốn sách về sức khỏe dinh dưỡng đáng để nghiên cứu nhé.
Trích dẫn nổi bật của sách:
1, “Khi nhắc tới bò, muốn nuốt trôi thịt nó là người ăn phải xem con bò ấy được nuôi ra sao, trong môi trường gì, và ai nuôi. Bò là loài ăn cỏ, chúng không sinh ra để ăn hạt, ngũ cốc, hay ăn thịt như loài ăn tạp. Loài ăn tạp mà không ăn tạp là bệnh, loài ăn thịt lại bỏ đi ăn lá như gấu trúc sẽ sinh ra vô vàn rắc rối. Bò cũng thế, muốn tốt, bổ, khỏe là bò phải ăn cỏ. Vấn đề nằm ở chỗ: ngành công nghiệp nuôi bò hoạt động không khác gì phim kinh dị khi tống cho bò ăn một loạt thực phẩm công nghiệp làm từ bắp và đậu nành biến đổi gen, thậm chí còn nghiền…thịt đồng loại (những con bò chết, thịt bò bán ế…) ra cho bò còn sống ăn.”
2, “Đáng tiếc thay, thiên nhiên không hoạt động như vậy. Một chị bạn chuyên “nai lưng” đi làm sinh thái và kinh doanh thực phẩm sạch cũng rỉ tai tôi rằng nếu đụng đến nông nghiệp, chẳng thứ nào “thâm” với “độc” mà tốt được cả.”
3, “Kể xấu các kiểu chăn nuôi công nghiệp thì dễ, kể xấu thực phẩm chế biến nông nghiệp cũng dễ, chúng nó xấu đầy ra rồi. Những thứ dùng trong chiến tranh tất nhiên chỉ phù hợp cho hoàn cảnh ấy, ví dụ như đồ hộp để được lâu và dễ vận chuyển chỉ là giải pháp cho việc nuôi quân cho no bụng chứ không phải giải pháp cho mỗi bữa cơm. Thời bình mà cứ ăn như thời chiến là cơ thể sẽ ‘chiến’ lại chúng ta chứ không thể ‘bình’ được.”
Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.