Đại học không lạc hướng – Lý Thượng Long – Kim chỉ nam cho sinh viên đại học.
“Bốn năm kiếm được tấm bằng
Mỉm cười cuộc sống ngỡ rằng sang trang
Tưởng đâu tìm việc dễ dàng
Ngày ngày cắp cặp đi làm như ai
Giờ ngồi vỡ mộng thở dài
Ông trời nỡ phụ người tài như ta
Càng nghĩ càng thấy xót xa
Anh hùng mạt vận sinh ra nhầm thời
Xưa kia sống ở trên đời
Cầm bằng đại học ngời ngời uy phong
Giờ bằng ôm ấp trong lòng
Ngồi đói mốc miệng lệ ròng hai mi.”
(ST)
Đọc bài thơ vui và nhìn thực tế cũng thấy đúng thật. Một thời đại mà bằng đại học cũng không nói lên nhiều điều. Mình cũng năm 3 đại học rồi, cũng gần hết thời sinh viên rồi. Đây không phải quyển sách dành cho mình nữa. Nhưng khi quyển sách này mới xuất bản tháng 3 năm nay thì mình cũng khá tò mò, vì thấy cũng hay xuất hiện trên mấy group sách. Mình đọc nó vì mình muốn xem có đúng với suy nghĩ, có đúng với những điều mình trải qua không. Và bây giờ, lúc các em cấp 3 đang hoang mang với chuyện chọn trường, chọn ngành, và sắp bước chân vào đại học. Mình muốn giới thiệu đến các em, để biết đâu, các em có thêm một người đồng hành trong những năm tháng đáng nhớ đó. Cùng mình đọc review “Đại học không lạc hướng” nhé.
Đôi nét tác giả Lý Thượng Long
Lý Thượng Long Sinh ngày 18/4/1990 là nhà văn, biên kịch nổi tiếng ở Trung Quốc.
“Đại học không lạc hướng” được xuất bản tháng 3-2019.
Tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam Gọi là ổn định, thật ra là phí hoài cuộc sống, Vươn lên hoặc bị đánh bại.
Đôi điều cảm nhận về sách Đại học không lạc hướng
Mình cũng đã đọc một vài đầu sách self-help của Trung Quốc, thấy văn phong cũng dễ chịu. Đại học không lạc hướng cũng là của tác giả Trung Quốc, mà cách sống cũng như văn hóa của Việt Nam mình có nhiều điểm tương đồng, nên những điều tác giả viết dễ hiểu, dễ tiếp thu. Là một tác giả nam nên cách viết giản dị, không hoa lá cành, đọc mà như có người đang tâm sự, khuyên răn bên cạnh. Tác giả cũng chia ra nhiều bài viết, mỗi bài viết nêu lên một vấn đề mà hầu hết sinh viên đều phân vân và khó chọn lựa. Self-help mình sợ nhất là văn phong giáo điều, áp đặt phải làm thế này, phải làm thế kia. Lý Thượng Long vẫn đưa ra quan điểm, vẫn thuyết phục mọi người làm theo, nhưng không hề có cảm giác cứng nhắc dập khuôn. Nó như lời khuyên chân thành của một người anh, người đi trước cho những đứa em sắp bước vào quãng đời vừa đẹp vừa chông chênh này.
Mình đồng ý hầu hết với quan điểm của tác giả. Dù là có những điều mình không làm được trong những năm đầu đại học. Mình đã ước rằng mình được đọc nó sớm hơn nữa. Lý Thượng Long viết về chủ đề không quá mới, nhưng cách viết thuyết phục, gần gũi. Lý Thượng Long lại là một giáo viên dạy tiếng anh, nên cũng có nhiều lời khuyên về việc học tiếng anh. Mình rất thích cái suy nghĩ hiện đại của tác giả, không phải vì tác giả là giáo viên mà lên mặt rằng sinh viên thì phải học, không được cúp tiết, không được chơi bời. Anh còn khuyên nên cúp học, phải biết cái gì cần học cái gì không. Đọc mình cứ ngồi gật gù mãi.
Lý Thượng Long vừa đưa ra những vấn đề muôn thuở, vừa đưa ra những khái niệm khá mới.
Trong những năm đại học rốt cuộc có nên đi làm thêm không?
Nên tiếp xúc với tình yêu như thế nào?
Học trường đại học bình thường, làm thế nào để có cuộc đời tốt nhất?
Các bằng cấp, chứng chỉ có được sau những năm đại học đó rốt cuộc có công dụng gì?
Có nên tham gia hội sinh viên và các câu lạc bộ không?
Lồng ghép vào đó là những câu chuyện của chính tác giả, của bạn bè, những người xung quanh anh nữa. Không đạo lý suông, có ví dụ cụ thể rõ ràng. Những năm tháng mới bước vào đại học , chắc hẳn ai cũng hoang mang, môi trường mới, bạn bè mới, xa nhà, xa bố mẹ. Mọi thứ cứ dồn dập đến. Nếu không có việc chuẩn bị tâm lý, lên kế hoạch rõ ràng thì những năm tháng này sẽ không trọn vẹn. Mà 4 năm đại học là quãng thời gian quý giá nhất của bạn, nó không chỉ có nghĩa là 4 lần của 365 ngày, mà đó là 4 bước đệm quan trọng nhất để tiến tới cánh cổng lớn nhất của cuộc đời bạn – bước chân vào xã hội.
Mình đã đọc ở đâu đó rằng, 4 năm đại học như 4 bước tường của căn phòng, năm đầu tiên là bước tường phía bục giảng, bạn háo hức nhìn để tiếp thu kiến thức, năm thứ 2 là bức tường có cửa sổ, bạn quen dần với nhịp học, và tập tành đi ra ngoài để làm thêm, giao lưu học hỏi, năm thứ 3 là bức tường sau lưng bạn, là năm mà bạn đứng trên bục giảng nhìn xuống với những bài thuyết trình liên miên, năm thứ 4 là bức tường có cửa ra vào, đã đến lúc bạn bước ra ngoài với công việc, với một thế giới khác ngoài kia. Mượn lời tác giả thay lời kết, và chúc bạn có những năm tháng sinh viên tuyệt vời “Hi vọng bạn thích cuốn sách này, cũng hi vọng cuốn sách này là hành trang có thể giúp các bạn trong những năm đại học. Thấy chữ như thấy người, mong rằng tuổi trẻ của các bạn có tôi bầu bạn, không bao giờ cô độc.”
Trích dẫn nổi bật của sách
1, “Thế giới này căn bản không quan tâm bạn nõ lực bao nhiêu, mà chỉ quan tâm bạn có thành tựu nào hay không, quan tâm đến hiệu quả của sự nỗ lực của bạn.”
2, “Khi bạn nhỏ bé, không ai quan tâm đến sự nỗ lực của bạn, sau khi bạn thành công, mới có người muốn lắng nghe câu chuyện của bạn Những câu chuyện đó mới có máu có thịt.”
3, “Tôi muốn nói với bạn rằng, nỗ lực không chắc thành công, nhưng không nỗ lực bạn sẽ hối hận.”
4, “ Có thể sau khi tốt nghiệp sẽ chia tay, hoặc sau khi trưởng thành rồi cuối cùng lại người rẽ trái người rẽ phải. Nhưng bản thân bạn sẽ không oán thán, không hối hận vì đã từng hai bàn tay trắng mà vẫn yêu thương bằng cả trái tim. Cho dù không thể cùng nhau đi xa, không có kết cục, nhưng quan trọng là thời gian ở bên nhau đáng giá, chúng ta đã khiến cho bản thân mình trở nên đẹp đẽ hơn.”
5, “ Nếu bạn có một cốc nước, tiếp theo bạn sẽ làm gì? Câu trả lời rất đơn giản, bạn phải làm chuyện bạn muốn làm, không liên quan tới cố nước. Cốc nước này có thể là công việc của chúng ta, là chuyên ngành của chúng ta, là trường học của chúng ta, tóm lại, là thứ mà chúng ta hiện có, nhưng có bao nhiêu người chỉ dán mắt vào cốc nước này mà quên mất mục đích sống thực sự của bản thân, quên mát rằng bản thân rốt cục muốn gì.”
Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.