Đây là cuốn sách không chỉ có du ký, nó đan xen cả hồi ký, khảo cứu văn hóa và còn là một cẩm nang về du lịch. Nhưng mình cứ coi như đây là cuốn sách thuộc thể loại du ký. Trước giờ mình không đọc nhiều thể loại này, mình mới chỉ đọc hai cuốn của cô Phương Mai “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo”, và chắc chắn là mình sẽ có review về “Con đường Hồi giáo” vì quá ấn tượng.

Thời gian tới mình cũng sẽ đọc nhiều hơn về du ký. Cái hay của du ký là gì? Bạn có thể trải nghiệm một cách gián tiếp hành trình du lịch khám phá, đồng thời biết được góc nhìn, cảm nhận của tác giả. Và dĩ nhiên, truyền cho bạn động lực đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Với một đứa ngu địa lý như mình, đọc du ký làm mình ngấm một cách tự nhiên, bởi mỗi nơi là một câu chuyện. “Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh” là quyển mình vừa đọc xong. Và tại sao mình chọn quyển này. Bởi nước Anh là nơi mình muốn đến, bởi nước Anh có Harry Potter, có Sherlock Holmes, và vô vàn đại văn hào với những tác phẩm bất hủ khác. Nên mình yêu Anh luôn dù chưa từng đến, cũng chưa từng tìm hiểu nhiều. Và quyển sách này đã cho mình cảm nhận rằng: Đây chính là nơi đáng để trải nghiệm. Đọc review “Tôi bỏ quên tôi của nước Anh” cùng mình nhé.

Tôi Bỏ Quên Tôi Ở Nước Anh
Bìa Sách: Tôi Bỏ Quên Tôi Ở Nước Anh

Đôi nét tác giả Minh Thi:

Minh Thi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Truyền thông Toàn cầu tại Đại học Westminster, London nhờ học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh.

Nhiều năm làm báo và dịch sách, gần đây tham gia giảng dạy về văn hóa và truyền thông, hiện làm công việc nghiên cứu văn hóa.

Giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Victoria Welington, New Zealand.

Yêu thích du lịch và tìm hiểu văn hóa, từng đặt chân đến gần 30 quốc gia trên thế giới.

Trang cá nhân: minhthi.net

Đôi điều cảm nhận về sách Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh:

Đầu tiên phải nói đến tên cuốn sách. Đọc là mình biết tác giả yêu nước Anh thế nào, yêu đắm say như “mất hồn” vậy. Bởi còn có cảm giác gì khi đã trở về Việt Nam, đem theo con người về đây, nhưng đã “bỏ quên” tâm hồn mình nơi đó. Sách không dài, mình đọc một buổi chiều là xong, nhưng lại chứa đựng rất nhiều thông tin bổ ích. Cuốn sách được lên kế hoạch viết trước khi Thi sang Anh, được xem là “hiện thực hóa một lời hứa” mà Thi tuyên bố trong hồ sơ xin học bổng Chevening: “viết một cuốn sách về nước Anh”.

Văn phong của Thi dễ đọc, đôi phần cá tính, không quá màu mè hoa mỹ nhưng cũng vừa vặn không khô khan. Thêm chút nghiêm túc kiểu báo chí nữa. Và một chút hài hước “kiểu Anh”. Một quyển sách khá ngắn mà khiến mình biết thêm nhiều điều thú vị. Về London, về tính cách người Anh, về đời sống văn hóa, rồi ở trọ, cách ứng xử và một chút về việc xin học bổng nữa. Chị Thi đúng kiểu một nhà nghiên cứu, vốn hiểu biết rất phong phú. Hơn nữa còn có tài quan sát và kỹ năng nghiên cứu, tổng hợp phân tích rất tốt.

Trước giờ mình không tìm hiểu về Anh, nếu có biết thì cũng chỉ là qua những bộ phim mình xem, những tác phẩm mình đọc. Còn chưa bao giờ mình cố gắng tìm hiểu, để tâm đến Anh. Cho nên phải nói kiến thức về nước Anh của mình rất căn bản. Kiểu nhắc đến Anh thì nghĩ ngay đến London “Thành phố sương mù”, thời tiết xám xịt âm u, những trận bóng ngoại hạng Anh cuối tuần. Và hết. Nhưng mình vẫn nuôi một suy nghĩ rằng, một ngày nào đó mình sẽ đến Anh một thời gian. Và đọc quyển sách này càng khẳng định suy nghĩ của mình rất phù hợp.

Nước Anh nói chung và London nói riêng, qua miêu tả của Minh Thi hiện lên vừa lạnh lùng xa cách, vừa quyến rũ mê người. Một chốn xô bồ tấp nập nhưng cũng tràn đầy sức hút với văn hóa, nghệ thuật nơi đây. Những nhà hát, bảo tàng, sân khấu kịch là đặc trưng, lựa chọn tuyệt vời cho những người có tế bào nghệ thuật. Rồi một London dưới lòng đất với hệ thống tàu điện ngầm và những con người lúc nào cũng vội vàng lướt qua nhau. Minh Thi còn liệt kê ra một tấm “bản đồ” của riêng chị, những nơi chị đã qua, quán xá, bảo tàng…cùng những cảm nhận ngắn của chị về nơi ấy.

Phần mình thích nhất là chương nói về người Anh, và tính cách người Anh. Mình đọc mà ồ, à suốt. Ra là thế. Người Anh phân biệt giai tầng và địa vị ngấm ngầm. Sự lịch thiệp nhưng có phần xa cách. Cũng có thể hiểu là tôn trọng sự riêng tư của nhau. Cung cách bình tĩnh ngoài mặt và kìm nén cảm xúc bên trong. “Không phải việc họ là ai, mà chính khả năng tự kiềm chế mới làm nên sự vĩ đại của người Anh.” (A.A.Gill). Nhưng cũng chính sự kiềm chế đó lại mang đến nỗi đau về mặt tinh thần. Đây là một điều tự hào cũng như là một vấn đề của toàn thể dân Anh. Người Anh tự cho mình là dân tộc có khiếu hài hước. Và lối đối đáp giễu cợt châm biếm của giới trí thức cũng là một đặc trưng. Kiểu như một “nghệ thuật dìm hàng”, bao gồm cả “tự dìm chính mình”. “Người Mỹ cho rằng cuộc sống là hệ trọng nhưng không hề vô vọng; người Anh lại cho rằng cuộc sống là vô vọng song chẳng hệ trọng chút nào.”

Từ những tính cách đặc trưng đó, Minh Thi đã đưa ra một vài quy tắc ứng xử với người Anh. Ví như: không mặc cả, tránh than phiền và gây chú ý, xếp hàng, để lại tiền boa, cảm ơn xin lỗi, giữ khoảng cách, cùng với những phân tích và kinh nghiệm xương máu của chính mình. Minh Thi cũng đề cập đến vấn đề Anh rời Liên minh Châu Âu, mình chưa bao giờ quan tâm điều đó, nhưng giờ thì đã biết và hiểu hơn. Những người ủng hộ rời khỏi khao khát “một nước Anh của người Anh”, bởi tình trạng nhập cư ào ạt như thác lũ vào London. Ở London, có những khu vực vắng bóng người Anh. Nhưng những người trẻ hơn, họ có nhu cầu đi du lịch khắp Châu Âu, hoặc sang Châu Âu du học, làm việc, thậm chí đến sinh sống ở các nước này. Nhưng nhìn chung, đây là một vấn đề chính trị, và mình cũng chỉ đọc cho biết chứ không mấy quan tâm.

Bên cạnh đó là những kinh nghiệm thiết thực cho những du học sinh như khó khăn của việc thuê trọ, việc học thạc sĩ ra sao, rồi những kinh nghiệm “rút ruột” về xin học bổng. Và dĩ nhiên, một chuyện tình. Qua miêu tả của chị, mình thực sự có cảm tình với anh chàng người Anh đấy. Thật ra đọc chỗ “say mê tri thức và các giá trị cổ điển” là thấy dễ mến rồi. Một chuyện tình với một kết thúc buồn nhưng quá trình quá đẹp và đáng trân trọng. “Chúng tôi là một cặp ăn ý lúc trời yên biển lặng, nhưng không vững tay chèo lúc chớp giật mưa tuôn.” Mình không xét đến hoàn cảnh và quyết định của hai người, mình chỉ thấy ngưỡng mộ một sự đồng điệu của hai tâm hồn đầy tri thức và yêu nghệ thuật như thế.

Và, cuốn sách này dành cho ai? Những ai có ý định sống và học tập ở Anh. Những ai muốn đến Anh du lịch khám phá. Và cho cả những ai muốn tìm hiểu đôi chút về Anh để ngồi mơ màng cái lạnh lẽo âm u giữa tiết trời Hà Nội 40 độ C này – như mình!

Trích dẫn nổi bật của sách:

1, “Đối với tôi, mùa nào ở London cũng đẹp. Bởi vì trong lòng tôi, London đã là một mối tình.”

2, “Nếu như tôi thường nghĩ về Paris như một quý bà đỏm dáng yêu kiều, thì tôi luôn hình dung London như một quý ông lạnh lùng.”

3, “Thật vậy, London đối với tôi sống động như một con người. Đôi khi tôi cảm thấy sức sống đầy tràn của nó, hàng trăm hàng ngàn mạch máu nóng đang ào ào tuôn chảy đâu đây. Cũng có khi tôi thấy nó mệt mỏi, rệu rã dưới sức nặng của dòng thác nhập cư, của những xung đột ngầm dai dẳng giữa người với người, của cả ngày làm việc nhọc mệt, của những tình yêu dần chết.”

4, “Chúng tôi xin vui mừng thông báo rằng bến tàu này không có một chú Pokemon nào cả. Chúng đã bị bắt và phóng thích sang New Zealand hết rồi, xin hãy chú ý đường đi thay vì chúi mũi vào điện thoại của bạn.”

5, “Người Mỹ yêu bạn trước rồi ghét bạn sau, còn người Anh thì ghét bạn trước rồi yêu bạn sau.”

6, “Một lần, tôi ở Ý một mình và nhắn tin cho cậu ấy: ‘Em sẽ gửi cho anh những tấm hình đẹp của Florence.’ Cậu bèn trả lời: ‘Còn anh sẽ gửi em những tấm hình tầm thường chụp khu Stratford.’ Nếu tôi khen đểu tài nấu ăn của cậu thì cậu sẽ thản nhiên nói: ‘Anh biết, lẽ ra anh phải đi làm đầu bếp nhà hàng mới đúng.’ Có lần tôi lỡ lời nói rằng vấn đề của cậu, nếu có, chỉ là không được hài hước cho lắm. Đáp lại, cậu ôm ngực tỏ ý bị tổn thương nói: ‘Nhưng anh là người Anh cơ mà, ôi thôi, toàn bộ bản ngã của anh nay đã bị lung lay.’”

7, “Đương nhiên, sẽ chẳng ai mắng mỏ nếu bạn quên đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Nhưng có thể, một bậc cao niên nào đó sẽ kín đáo nhướng mày.”

Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.