Nhắc đến lối sống tối giản, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến một vài tác phẩm của Nhật như “Lối sống tối giản của người Nhật” hay “Nghệ thuật bài trí của người Nhật”. Thật ra, đó cũng là những quyển rất hay về tối giản mà mọi người cũng nên tìm đọc. Nhưng hôm nay mình sẽ giới thiệu một quyển sách khác, một quyển sách về tối giản mà tác giả là người Việt. Người Việt sống theo lối tối giản thì không thiếu, nhưng người Việt viết về chủ đề này thì chắc Chi Nguyễn là người đầu tiên. Là một người cũng đang tìm hiểu và hướng đến lối sống này, mình thấy cuốn sách như một bước khởi đầu cả về phương hướng và tư duy. Cùng mình xem review “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” nhé.

Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản
Bìa sách: Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản

Đôi nét tác giả Chi Nguyễn:

Chi Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ, Chi tìm thấy sự bình yên lạ kỳ khi viết tiếng Việt. Dường như mọi áp lực, cạnh tranh, những bước đi dồn dập của xã hội phát triển không chạm đến một góc nhỏ an nhiên trong tâm hồn cô gái Hà Nội này.

Thầm lặng quan sát dòng người lại qua giữa nhiều nền văn hóa, Chi viết về con người, về cuộc sống, nhưng nhiều hơn tất cả, về chính bản thân mình.

Là một nghiên cứu sinh – một người làm khoa học, văn chương của Chi không hoa mỹ, mà thẳng thắn, tập trung, khiêm nhường. Đối với Chi, quan điểm nhận thức sâu sắc và trải nghiệm chân thực về cuộc sống là yếu tố quan trọng nhất để đưa bạn đọc đến gần hơn với từng trang viết, từng hơi thở trong tâm hồn mình.

Hiện tại, Chi viết bài đều đặn trên blog cá nhân, The Present Writer

Đôi điều cảm nhận Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản:

Điều đầu tiên mình ấn tượng với quyển sách này là bìa sách. Đúng kiểu tối giản đây chứ đâu. Sách và mèo, chỉ cần có thế 😊 Đơn giản mà hiện đại. Văn phong của Chi dễ hiểu, mạch lạc. Chính Chi viết rằng cuốn sách được viết với tư duy tuyến tính, logic, rõ ràng và sâu sắc. Tư duy của một người phương Đông học tập và làm việc tại phương Tây. Tư duy của một người đọc nhiều, trải nghiệm nhiều.

Cuốn sách có 3 phần, 7 chương. Điều mình thích nhất ở chương 1 là Chi đưa ra những hiểu lầm thường gặp về lối sống tối giản. Như:

Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho những người giàu có.

Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho những người trẻ, chưa có gia đình.

Chủ nghĩa tối giản chỉ hợp với “Tây”.

Tối giản đồng nghĩa với nhàm chán.

Tối giản là lãng phí. Tối giản là keo kiệt, phá hoại nền kinh tế.

Chủ nghĩa tối giản chỉ cần áp dụng một lần duy nhất trong đời.

Chi không chỉ đưa ra mà giải đáp, phân tích những hiểu lầm này. Chi chỉ ra con đường bắt đầu tối giản hóa cuộc sống bằng việc từ bỏ những giá trị vật chất không cần thiết và tập trung vào những giá trị cốt lõi.

Mình đặc biệt thích phần tóm tắt sau mỗi chương. Điều này đặc biệt giúp mình gợi nhớ lại nội dung chính của chương và hệ thống lại chúng.

Cuốn sách viết dựa trên trải nghiệm của chính tác giả. Từ một người thích mua sắm, nhà lúc nào cũng chồng chất đồ đạc, rồi sau hàng tháng trời khổ sở dọn nhà, hoảng loạn khi phát hiện ra mình có quá nhiều đồ, rồi nhiều biến cố về sau đưa Chi đến với lối sống tối giản. Chính những trải nghiệm chân thật đó làm cho mình đồng cảm được với tác giả. Chi ‘chia sẻ’ những trải nghiệm và suy nghĩ của Chi, chứ Chi không ‘dạy’ ai phải làm gì.

Cuốn sách này sẽ không cho mọi người một “công thức chuẩn” để đánh giá thế nào là tối giản, thế nào là hạnh phúc. Cũng sẽ không có điều gì hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai áp đặt lên chúng ta. Thay vào đó, cuốn sách giới thiệu những khái niệm mở, truyền cảm hứng để bạn thay đổi tư duy và tự đưa ra quyết định đâu là lối sống phù hợp nhất với mình. Chi cũng nhận ra rằng sống tối giản không chỉ dừng lại ở việc chọn lọc những món đồ quan trọng nhất mà còn là chọn lọc, ưu tiên những thời điểm quan trọng nhất, với những mối quan hệ có ý nghĩa nhất. Vậy nên, như Chi nói, đây không chỉ là một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản, mà đúng hơn là cuốn sách về Sự-Thay-Đổi.

Đặc biệt trong cuốn sách này mình rất thích hướng phân biệt giữa người sưu tập (collector) và người tích trữ (hoarder), vì mình thích sách và cũng thích cả sưu tập sách. Nhưng mà mình cũng phải suy nghĩ, chọn lọc lại tủ sách của mình xem mình thật sự muốn giữ lại cuốn nào, và cuốn nào thật sự có ý nghĩa với mình.

Tư duy sống cho hiện tại và tư duy tích cực trong cuốn sách này cũng là một điều tác giả muốn nhấn mạnh. Đó cũng là lý do đưa Chi trở thành một “người viết ở thời hiện tại” (The Present Writer). “Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn bình an, bạn đang sống trong hiện tại.”

Đây là một cuốn sách về cuộc sống – mang theo thông điệp về sống đẹp, sống có ý nghĩa, và chủ nghĩa tối giản chỉ là một phương tiện để truyền tải thông điệp này. Nếu bạn đang không hài lòng với lối sống hiện tại, đang tìm kiếm một lối sống mới hướng tới một cuộc sống hạnh phúc hơn, đây là cuốn sách dành cho bạn.

Trích dẫn nổi bật của sách

1, “ Nhưng chủ nghĩa tối giản buộc ta phải đối diện với bản thân và thành thật hơn với chính mình.”

2, “Tôi từng nghe rất nhiều người nói rằng chỉ có sống ở “tây” hay các nước phát triển mới thực hiện được lối sống tối giản vì người ngoại quốc hiện đại, văn minh, còn “người Việt Nam mình” đã quá quen với việc gom góp, lưu trữ đồ đạc từ nhiều thế hệ rồi. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn bắc loa phóng thanh để hét lên rằng: “Chính vì vậy, chủ nghĩa tối giản sinh ra là để dành cho Việt Nam!!!” Rất nhiều gia đình Việt Nam sống cùng nhiều thế hệ, cứ vài năm lại thêm một thành viên, nhà cửa mỗi ngày lại thêm chật chội. Với nhu cầu sống lớn lên từng ngày, nếu đồ đạc không được bỏ đi thì chẳng mấy chốc gia đình nào cũng sẽ ngập chìm trong chính những món đồ vô giá trị họ tự mang về và lưu giữ trong nhà. Nguy hiểm hơn, qua thời gian, ta dễ xem việc sống trong bừa bộn, thừa thãi, ngột ngạt là hiển nhiên và không còn động lực để thay đổi nữa.”

3, “Dưới nền văn hoá Á Đông, yêu bản thân rất dễ bị quy chụp là ích kỷ, và những yếu tố cá nhân luôn bị đè nén bởi các giá trị tập thể, đặc biệt đối với phụ nữ – những người thường được xã hội gắn cho “thiên chức” hy sinh vì người đàn ông trong gia đình, vì chồng, vì con đến mức quên mình. Nhưng sự thật là nếu bạn không yêu, chăm sóc và tôn trọng bản thân, bạn sẽ không thấy hạnh phúc khi chăm sóc người khác, và những người vì họ mà bạn hy sinh cũng sẽ không hiểu được hết sự hy sinh của bạn. Không có gì tồi tệ đối với một con người hơn là hy sinh cả cuộc đời mình cho người khác nhưng cảm thấy không được đền đáp xứng đáng, cảm thấy như lúc nào mình cũng chịu thiệt thòi, và luôn muốn quay ngược lại thời gian để thay đổi cuộc đời mình khác đi. Nhưng cũng không có gì vui vẻ cho người được nhận sự hy sinh đó khi ngày ngày nghe cằn nhằn, rồi oằn lưng chịu áp lực phải báo đáp.”

4, “Nếu bỏ  đi khoảng thời gian hàng ngày tôi vùi đầu vào các trang mua sắm, loạn lên để tìm một món đồ mặc mỗi sáng, lo lắng vì những việc không thể kiểm soát được trong tương lai, trì hoãn làm những gì mình đáng ra phải làm, bỗng nhiên tôi thấy dôi ra rất nhiều thời gian.”

Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.