Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất – Jonas Jonasson – lạ lùng, bất ngờ và đầy châm biếm – không có giới hạn cho sự điên rồ.
Quyển sách này thì quá nổi rồi, best-seller toàn cầu luôn. Rất nhiều review sách tích cực và cái tên gây tò mò, nên mình mua đọc xem sao. Mình đến với tâm thái khá mong chờ vì những điều quyển sách đã đạt được. Mình suy đoán, tưởng tượng nhiều thứ để rồi mình nhận ra, đã là một siêu phẩm thì hẳn nhiên không dễ đoán. Mình không đọc nhiều văn học Thụy Điển, nhưng đã đọc là thích, cuốn này và cuốn “Người đàn ông mang tên Ove”, đều xuất sắc. Rõ ràng là không cần mình ca ngợi tung hô thì cuốn sách này cũng đầy hào quang rồi. Mình ở đây, chỉ để chia sẻ chút cảm xúc của mình, và biết đâu, đó cũng là cảm xúc của bạn. Và nếu bạn chưa đọc thì đây là một gợi ý tuyệt vời! Cùng đọc review “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” nhé.
Đôi nét tác giả Jonas Jonasson:
Jonas Jonasson đã từng là nhà báo nhiều năm, rồi trở thành nhà tư vấn truyền thông và sau đó lập nên một công ty sản xuất cho các sự kiện thể thao của truyền hình Thụy Điển. Sau khi bị kiệt sức vì làm việc quá tải, ông đã bán công ty và đi du lịch để viết văn.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay, “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” đã ngay lập tức trở thành sách bán chạy toàn cầu, đưa Jonas Jonasson trở thành tên tuổi nổi bật trên các giá sách.
Hiện ông sống cùng con trai tại đảo Gotland của Thụy Điển ở biển Baltic. Cuốn thứ hai “Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử” cũng trở thành sách ăn khách toàn cầu.
Đôi điều cảm nhận về sách:
Đúng như tên truyện, vào ngày sinh nhật lần thứ 100 của mình, cụ ông Allan Karlsson đột nhiên trèo qua của sổ ngôi nhà dưỡng lão – Nhà Già – và biến mất. Ở cái tuổi 100 hiếm ai đạt tới thì cụ có thể đi đâu được? Một cuộc truy tìm trên khắp nước Thụy Điển diễn ra từ phía những người có trách nhiệm chăm nom cụ cũng như chính quyền sở tại. Song song với cuộc truy tìm nhân đạo ấy, một cuộc truy tìm đuổi bắt khác gay cấn hơn, xảy đến từ một tên tội phạm, kẻ đã ngớ ngẩn hoặc đúng hơn, bất cẩn trao vali 50 triệu crown vào tay cụ già này. Nhưng một người đã sống qua một thế kỷ thì không dễ gì tóm cụ ta được.
Khi đọc tên truyện, mình cũng tưởng tượng ra một cụ già 100 tuổi nhưng vẫn còn khỏe khoắn trèo qua viện dưỡng lão và biến mất. Và, toàn bộ diễn biến còn lại, mình thật sự sốc. Bất ngờ, lạ đời, dớ dẩn, quá nhiều sự điên rồ trong một câu truyện. Rồi hài hước, châm biếm, thông minh. Cảm giác như tác giả hút cần để viết truyện. Mà nếu hút cần mà nghĩ ra được ý tưởng táo bạo để đời thế thì mình cũng muốn thử lắm. =)) Truyện được kể đan xen về cuộc đời của cụ Allan từ khi còn bé đến lúc đã lụ khụ trăm tuổi – một cuộc đời thú vị đến từng giây. Mình đã đọc nhiều kiểu kể truyện đan xen giữa nhân vật, dòng thời gian rồi, nhưng mình vẫn không sao thích được. Mình không ghét, cũng không khó chịu. Nhưng mình cũng không tìm ra nhiều ý nghĩa của việc ấy. Tạo lát cắt đan xen cho gay cấn hả? Mình không biết.
Một cuộc đời may mắn như “Xuân tóc đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Chỉ có điều ông Allan không chỉ may mắn không thôi, mà ông còn có chuyên môn, thông minh và đầy bản lĩnh. Ở thực tại, qua hành trình chạy trốn của mình, ông Allan được gặp những người bạn cá tính, đặc biệt và chẳng giống ai, mỗi người là một màu sắc khác nhau, nhưng lại rất hợp cạ, tạo thành một nhóm “bạn” hết sức thú vị. Qua quá khứ dài đằng đẵng của ông, tác giả vẽ lại một phần hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, và thứ hai pha lẫn chất giọng châm biếm sâu sắc. Ông đã đi quá nhiều, trải qua quá nhiều truyện, và vẫn đứng vững ở tuổi 100.
Mọi người nói nhân vật phụ được xây dựng không có chiều sâu. Nhưng mình lại thích. Cuộc đời màu sắc của ông Allan miêu tả tỉ mỉ đến chân tơ kẽ tóc như thế thì đâu có nhiều đất diễn cho nhân vật khác. Và tuyến nhân vật phụ quả thật rất phong phú đa dạng. Mỗi nhân vật khi nhớ đến mình đều nắm được đặc trưng. Benny – người đàn ông suýt là bác sĩ thú y, suýt là bác sĩ, suýt là kiến trúc sư, suýt là kỹ sư, suýt là nhà thực vật, suýt là giáo viên văn, suýt là giáo viên thể dục, suýt là nhà sử học và suýt là một vài thứ nữa. Julius – một tên trộm vặt cũng nếm trải sự đời và Gunilla – chủ nhân trang trại bên hồ, cá tính cứ gọi là bậc nhất.
Không bao giờ là muộn để bắt đầu. Ông Allan, mặc dù đã trải qua cuộc đời quá nhiều biến cố, đi quá nhiều nơi, làm những việc phi thường đến nỗi kể cũng chẳng ai tin đó là sự thật. Có ai nghĩ rằng một cuộc đời không còn gì hối tiếc như thế, và đã 100 tuổi thì nên tận hưởng chút tuổi già yên bình không? Có đúng không. Nhưng với ông Allan, 100 tuổi chẳng hề gì, thích là nhích, lắm lúc cũng thấy hơi bất cần đời, nhưng rõ ràng cái bất cần đời của ông là cái bất cần đáng giá. Bạn than bạn đã hai mấy ba mươi, đã qua cái thời thanh xuân rực rỡ để trải nghiệm, để khám phá, để thử cái gì đó khác hơn, mới lạ hơn. Thì hãy nhớ đến ông Allan, và hãy liều một chút nhé. Xem cuộc sống nó ra sao!
“Bây giờ nó là như thế, cái gì đến sẽ đến.” Cũng kiểu như mọi chuyện xảy ra đều có lí do ý. Ông Allan sống một cuộc đời khá là cà lơ bất bơ. Không có kế hoạch cũng không quan tâm nhiều, bình thản với mọi biến động trong cuộc đời mình và thế giới. (trừ cái lúc hâm lên đặt bom nổ tan tành con cáo vì dám giết con gà của ông, nhân tiện làm nổ tung cả cái nhà luôn =))) Cứ đi, gặp gì thì giải quyết đấy, phải thế nào thì như thế đó.
Cái gì cũng có cách, miễn là suy nghĩ tích cực. Ông Allan tích cực trong hầu hết mọi tình huống. Rồi đến lúc mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết theo cách này hay cách khác, không việc gì phải tự làm mình mất vui, được sống chính là may mắn rồi, sống đã, mọi việc tính sau. Ai mà ngờ được! Đấy là nói về cuộc đời của ông Allan. Còn về chuyến phiêu lưu lúc 100 tuổi, bạn phải đọc mới cảm nhận rõ ràng được ý nghĩa của việc cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên, đừng mắc công sắp xếp làm gì!
Không thể không đề cập đến các nhân vật lịch sử mà ông Allan đã gặp trong suốt đời mình. Lại phải thán phục tác giả vì trí tưởng tượng đầy sáng tạo, nói chuyện thật như đùa, nói chuyện thế giới mà như nói chuyện trong nhà. Những nhân vật lịch sử ông Allan đã gặp nhiều vô kể Truman, Johnson, Nixon, Francisco Franco, Mao Trạch Đông, Tống Mỹ Linh, Giang Thanh, Kim Il-sung, Kim Jong-il, Charles de Gaulle, Churchill, Stalin, Tage Erlander, Christian Fouchet, Lavrentiy Pavlovich Beria, Oppenheimer, Sigvard Eklund, Yuri Borisovich Popov…Có bạn bảo đọc khô khan. Ôi trời ơi, nó đẻ ra mấy quyển lịch sử mà bạn phải nhét vô đầu ngày trước rồi. Dù câu truyện là hư cấu, chỉ nhân vật lịch sử là có thật, nhưng ta vẫn biết thế giới đã xảy ra gì, và nhớ được vài cái tên quan trọng trên thế giới. Còn gì bằng!
Một điều cuối cùng thôi, mình cười ha hả khi đọc câu chuyện mấy ông “quái vật” bịa ra và kiểu ngô nghê không hiểu gì của ông công tố viên Ranelid. Kiểu có gì đó sai sai mà không biết sai chỗ nào =)) Và còn rất nhiều điều hay ho nữa mà các bạn nên tự mình trải nghiệm.
Một điểm trừ duy nhất là mình cứ gợn gợn rồi băn khoăn về vài “cái chết” trong truyện này. Mình không thích điều đó, thật lòng là thế. Và có thể đó cũng là lí do có người sẽ không muốn đọc tiếp nữa. Nhưng cứ cho nó cơ hội nhé. Không hề hối hận đâu.
Trích dẫn nổi bật của sách:
1, “Khi sống quá thời gian của tạo hóa thì được phép thích gì làm nấy.”
2, “ Cái gì cũng có cách, miễn là suy nghĩ tích cực.”
3, “ – Tên tôi là Ddoola, Allan nói. Một Trăm Nghìn Đôla.
Tháp điều khiển bay im phăng phắc. Cơ trưởng Indonesia và phụ lái nhìn Allan đầy ngưỡng mộ.
– Lúc này, người điều hành bay và các đồng nghiệp thân cận nhất của ông ta đang tính toán để chia tiền đấy, Allan giải thích.
-Tôi biết, cơ trưởng đáp.
Một vài giây trôi qua, rồi người điều hành bay liên lạc với họ một lần nữa.
– Xin chào? ông có đó không, Mr.Đôla?
– Vâng, tôi đây, Allan nói.
– Xin lỗi, tên riêng của Mr.Đôla là gì?
– Một Trăm Ngàn, Allan nói. Tôi là Mr. Một Trăm Ngàn Đôla, và tôi xin phép hạ cánh tại sân bay của bạn.
– Xin lỗi, Mr.Đôla. Âm thanh khó nghe quá. Xin ông vui lòng nhắc lại tên riêng của mình một lần nữa?
– Allan giải thích với người cơ trưởng rằng người điều hành bay đang bắt đầu đàm phán.
– Tôi biết, cơ trưởng đáp.
– Tên riêng của tôi là Hai Trăm Ngàn, Allan nói. Chúng tôi có được phép hạ cánh không?
– Xin chờ một chút, ông Đôla, người điều hành bay nói, thỏa thuận với các đồng nghiệp rồi trả lời:
– Chào mừng ông đến Bali, Mr.Đôla. Rất vui được đón ông ở đây.”
Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.