“Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc.”

Mình rất có cảm tình với văn học Hàn Quốc, có những quyển là tượng đài trong lòng mình mãi đến bây giờ. Khi “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” được xuất bản, ngay lập tức rất hot trong cộng đồng đọc sách và nhận được rất nhiều nhận xét tích cực. Vốn mình là đứa bị thu hút bởi những tác phẩm viết về gia đình, nên mình cũng không ngần ngại mua về đọc ngay. Nhưng có lẽ mình đã đọc những quyển quá tuyệt vời như “Bố con cá gai”, “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7” hay “Những tháng năm rực rỡ” nên mức độ kỳ vọng của mình rất cao. Và đúng như thế, mình hơi thất vọng khi đọc quyển sách này, nhưng một phần cũng phải nói do kỳ vọng của mình cao quá. Nói thế không có nghĩa quyển sách này không hay, nó rất hay. Một quyển sách cực kỳ đáng đọc, đáng trải nghiệm và dĩ nhiên, rất đáng để mình giới thiệu đến các bạn. Không tự nhiên nó trở thành cuốn sách biểu tượng về tình cảm gia đình ở Hàn Quốc suốt 22 năm qua. Cùng đọc reviewLời chia tay đẹp nhất thế gian” của mình để thấy những giá trị quyển sách mang lại nhé.

Lời chia tay đẹp nhất thế gian
Bìa sách: Lời chia tay đẹp nhất thế gian

Đôi nét về tác giả Noh Hee Kyung

Noh Hee Kyung tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Seoul khoa Sáng tác văn học, Noh Hee Kyung là một biên kịch tài năng trong lĩnh vực phim truyền hình.

Ra mắt với tác phẩm đầu tay “Se Ri và Soo Ji” năm 1995, sau đó những bộ phim được bà viết kịch bản như “Lời nói dối”, “Đẹp hơn loài hoa”, “Thế giới họ sống”, “Gió mùa đông năm ấy”, “Chỉ có thể là yêu”, “Tình bạn tuổi xế chiều”… liên tiếp nhận được đánh giá cao từ người xem và các nhà phê bình. Những kịch bản được nhiều người đón nhận của Noh Hee Kyung đã mở ra thể loại “phim đọc được” ở Hàn Quốc.

“Lời chia tay đẹp nhất thế gian” từ lần phát sóng đầu tiên năm 1996 đã gây xúc động mạnh cho người xem, cho đến nay vẫn được tán dương như một tác phẩm xuất sắc giúp Noh Hee Kyung trở thành nhà biên kịch nổi tiếng được nhiều người ưa thích. Tác phẩm cũng được chuyển thể sang nhiều thể loại như: tiểu thuyết, kịch bản phim, kịch nói và phim điện ảnh. Gần đây nhất, bản remake do chính tác giả viết kịch bản mới đã được phát sóng trên kênh tvn năm 2017.

Đôi điều cảm nhận về sách Lời chia tay đẹp nhất thế gian:

Dù có nhiều và được viết như thế nào, thì có lẽ những câu chuyện về gia đình vẫn là chủ đề không bao giờ xưa cũ. Bởi nó luôn chạm đến sâu thẳm trong lòng mỗi người, và bởi chúng ta, hầu hết ai cũng có một gia đình để nhớ về. “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” nói về một câu chuyện bình thường, với những con người bình thường mà ai cũng dễ dàng cảm thông, ai cũng dễ dàng nhìn thấy đâu đó bóng dáng mình.

Câu chuyện xoay quanh Kim In Hee cùng với gia đình của bà. Bà có một ông chồng làm bác sĩ, tính tình cộc cằn, vô tâm; một người mẹ chồng đã già mất trí nhớ, không vui là đánh đập, mắng nhiếc, lúc lại ngây thơ làm nũng như một đứa trẻ; một đứa con gái mải mê công việc và chạy theo tình cảm tội lỗi của mình mà chẳng mấy khi quan tâm đến mẹ; một đứa con trai đã thi đại học hai lần không đỗ, đang chán chường và luôn về nhà với bộ dạng say khướt; một đứa em trai phá gia chi tử, suốt ngày nướng tiền vào cờ bạc, không lo gì đến gia đình. Đâu chỉ có thế, bỗng một ngày, bà bị chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối không thể chữa trị được. Và đọc tiêu đề, chắc các bạn cũng đoán được cái kết, “lời chia tay” giống như một lời tạm biệt với thế giới này.

Đối với Kim In Hee, mình vừa thương, vừa khâm phục. Rồi có khi mình còn nghĩ tác giả độc ác khi cho bà gánh chịu nhiều vất vả cuộc đời như thế. Nhưng mình lại bàng hoàng nhận ra, đó không chỉ là cuộc đời của Kim In Hee, mà còn là cuộc đời của rất nhiều bà mẹ ngoài kia. Đó đã là gì khi ngoài kia còn đầy cảnh đời bất hạnh hơn thế. Và bàng hoàng hơn khi nhận ra, chính chúng ta là một phần gây nên những đau khổ đó. Kim In Hee là một bà nội trợ trong gia đình, là một người mẹ điển hình Á Đông, lúc nào cũng tần tảo, chịu thương chịu khó, lo chu toàn cho cả gia đình. Một người mẹ tốt, dâu hiền vợ thảo. Những lúc buồn đau cũng nhẫn nhịn, chỉ mong cho mọi người đều thoải mái hạnh phúc. Cả cuộc đời chưa bao giờ mưu cầu một điều gì lớn lao, to tác. Ước mong duy nhất của bà là cả nhà có thể dọn đến ngôi nhà mới đang xây cho kịp mùa đông để tránh những cơn gió rét lùa vào, cho gia đình được sống ở nơi khang trang rộng rãi. Ấy vậy mà, ước mong đó cũng chưa kịp thực hiện, bà đã phải bỏ lại tất cả sau lưng.

Mình thương bà, như thương một người đầy bất hạnh. Rồi mình nhớ đến mẹ mình, một người với cuộc đời cũng lắm đắng cay. Rồi mình trách mình, mình còn tệ bạc hơn hai người con trong truyện, mình cũng chưa làm được gì làm mẹ vui lòng. Nhiều lúc mình lại giận, bao nhiêu những người mẹ ngoài kia, suốt đời hi sinh cho người khác mà không một giây nghĩ cho bản thân mình. Với một đứa luôn sống với quan niệm “đầu tiên là phải yêu bản thân mình trước”, mình thấy tại sao các mẹ phải khổ như thế. Nhưng có lẽ mình chưa làm mẹ, và nỗi lòng của một người mẹ mình chưa thấu được. Mẹ mình hay nói “Mẹ nuôi con bằng trời bằng biển, con nuôi mẹ con kể từng ngày”. Có lẽ, người cần thay đổi ở đây không phải người mẹ, mà chính những người xung quanh họ, là chúng ta, để họ được yêu thương, được trân trọng.

Và trong câu chuyện này, đúng như thế, mọi người đã thay đổi.  Người chồng, phận là một bác sĩ có tiếng, bây giờ chỉ còn biết khoanh tay đứng nhìn vợ mình ngày ngày bị ốm đau giằng xé, bị Thần Chết chực chờ mang đi. Những xúc cảm nguyên sơ thuở mới còn yêu nhau bắt đầu trở lại trong ông, kéo theo không xiết bao những dằn vặt, ân hận. Những ngày vợ nằm viện, ông không dám ghé vào thăm vợ; tới khi lúc bị đuổi việc, ông cũng chẳng màng tới danh dự hay niềm kiêu hãnh vốn có, ngày ngày giả vờ đi làm cốt để vợ yên lòng. Người con gái, vốn mê mải đuổi theo tình yêu, đã gác hết tất cả để phụ giúp mẹ những công việc nhà; người em trai, một kẻ dễ chùn bước, cả đời chẳng quyết tâm nổi một điều gì, đã thiết tha cầu xin thời gian chầm chậm trôi để mẹ nhận được tờ giấy báo đại học mà bà hằng ao ước. Ngay cả người em trai bặm trợn, côn đồ, cũng vì chị mà thay đổi tâm tính, tu chí làm ăn, quyết dứt khỏi rượu chè, cờ bạc. Nhưng, chỉ khi biết người vợ, người mẹ, người chị của mình không còn sống được bao lâu, họ mới thay đổi, mới ân hận, có muộn chăng?

Dĩ nhiên là muộn! Nhưng muộn còn hơn không làm gì. Trên đời này người ta vội học, vội làm, vội cưới, vội sinh con, sao không vội yêu thương? Chỉ đến khi biết bạn trượt đại học, mới hối hận vì không học sớm hơn. Chỉ khi mất người mình yêu, mới hối hận vì quá vô tâm. Chỉ khi bị bệnh rồi, mới hối hận vì không kiêng khem giữ gìn. Dường như cuộc đời này là một chuỗi những hối hận. Nhưng khi bạn nhận ra bạn không muốn tương lai phải hối hận, bạn cũng có nỗ lực để thay đổi đâu?

Đã bao lâu rồi bạn chưa gọi điện cho mẹ?

Bao lâu rồi chưa về thăm nhà?

Bao lâu rồi chưa vào bếp nấu cho mẹ bữa cơm, hay bưng bát đũa đi rửa khi xong cơm chiều?

Bao lâu rồi chưa ngồi thủ thỉ tâm sự chuyện xa xưa?

Đây là một quyển sách đủ sức thức tỉnh bạn, nhưng bạn có đứng dậy mà làm những việc “đáng ra bạn phải làm rồi” hay không thì phải do bạn. Ai cũng cho rằng được yêu thương, chăm sóc là điều hiển nhiên. Là mẹ thì phải tần tảo nuôi con, phải thức khuya dậy sớm, là bổn phận trách nhiệm. Không ai nghĩ mẹ cũng là người, không phải thần thánh, cũng cần được yêu thương, chăm sóc. Cũng cần được an ủi, vỗ về.

Mình mong rằng, những ai còn mẹ, hãy trân trọng. Hãy làm những việc nên làm, đừng để đến khi không thể làm nữa, ân hận cũng bằng không. Kim In Hee đã có những lời chia tay “đẹp đẽ” với cả gia đình, nhưng dẫu sao, đẹp đẽ thế nào cũng vẫn chỉ là những “lời chia tay”.

Trích dẫn nổi bật của sách:

1, “Thật kỳ lạ,

Khi còn trên đời,

Mẹ chỉ là mẹ thôi,

Chẳng có gì hơn.

Thế nhưng khi bà qua đời,

Tôi bỗng có suy nghĩ rằng,

Bà chính là cả cuộc đời mình.”

2, “Jeong Soo à…dù con quên hết tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ…thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ.”

3, “Liệu người phụ nữ ấy có biết,
Rằng tôi yêu bà, yêu bằng cả sinh mạng của mình.
Liệu người phụ nữ ấy có biết,
Kể từ sau tang lễ, đến tận bây giờ,
Ngay cả khi ngủ tôi vẫn khóc vì bà, chẳng sót ngày nào.
Mong bà không biết. Làm ơn đừng biết.”

4, “Dù con có nói là con ghét mẹ, nhưng thật ra là con kiệm lời nói thương mẹ đấy thôi.”

5, “Con cái không thể đền đáp lại tất thảy những thứ cha mẹ làm cho mình được.”

6, “Nếu xây nhà tôi sẽ làm một cái ban công thật lớn chỗ cửa sổ. Ở đó tôi sẽ trồng hoa và đặt thêm một cái bàn nhỏ nữa. Rồi tôi với mình thỉnh thoảng sẽ cùng nhau uống trà thưởng hoa ở đó. Sáng tối chúng ta đều có thể ngắm mặt trời, ngắm mặt trăng…”

Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.