Lại một cuốn sách thuộc hàng Must-read. Mình đọc sách cũng không có gu cụ thể, khá tạp nham. Thể loại nào mình cũng thử từ văn học, trinh thám, self-hep đến lịch sử chỉ trừ kinh dị. Cho nên, dĩ nhiên, những cuốn nổi tiếng, kinh điển, must-read, mình đều muốn đọc. Mặc dù đọc tạp nham nhiều thể loại nhưng mình chọn sách khá kĩ lưỡng. Hầu hết là những cuốn có nhiều bình luận tích cực, hoặc nổi tiếng ở phương diện nào đó, chứ ít khi đi nhà sách thấy hay hay thì mua về, có nhưng cực kì hiếm. “Kẻ trộm sách” cũng là một quyển trong chủ đề mình khá quan tâm, chiến tranh, thế chiến thứ hai. Thật ra, mình bị thu hút bởi cuốn sách này một phần vì nó nổi tiếng, một phần mình tò mò vì tên sách. Một người thích đọc sách mà nghe tên có chữ “sách” hiển nhiên tò mò rồi đúng không? Nhưng đọc rồi, mình lại không ấn tượng nhiều bởi cái tên đó nữa, mình bị ấn tượng bởi nhiều thứ khác hay ho hơn. Cùng đọc review “Kẻ trộm sách” của mình để xem có gì thú vị nhé.

Kẻ trộm sách
Bìa sách: Kẻ trộm sách

Đôi nét về tác giả Markus Zusak:

Markus Zusak là một cây viết còn rất trẻ. Zusak được sinh ra vào ngày 23/6/1975 tại thành phố Cảng lâu đời và nổi tiếng của nước Úc, thành phố Sydney. Ông là con trai út trong một gia đình có bốn anh chị em, có người cha mang quốc tịch Áo và mẹ là công dân Đức.

Markus Zusak là tác giả của 6 cuốn tiểu thuyết, trong đó hai tác phẩm The Messenger (2002) và The Book Thief (2005) đã đưa tên tuổi của Zusak lên một tầm cao mới, khiến ông trở thành Một trong những tác giả trẻ nổi tiếng nhất của thế kỷ 21. Cây bút tài năng này đã thắng giải thưởng Margaret của Hiệp hội Thư viện Mỹ vào năm 2014 cho những đóng góp của mình vào nền văn học.

Đôi điều cảm nhận về Kẻ trộm sách:

Chuyện kể về Liesel, bắt đầu từ những ngày tháng yên bình cuối cùng của thế giới – mùa hè năm 1939 – ngay trước khi nhân loại bước vào một trong những sự kiện lịch sử tồi tệ nhất của loài người – thế chiến thứ II. Liesel là một bé gái chín tuổi, sau khi bố mẹ ruột của nó bị đưa đến trại tập trung, nó đã được nhận nuôi và sống ở phố Thiên Đàng, thuộc Munich, Đức. Đây là một câu chuyện nhỏ về: một đứa bé gái, vài lời nói, một người chơi đàn xếp, vài gã Đức cuồng tín, một tay đấm Do Thái, và khá nhiều vụ ăn trộm.

Đối với mình, đây là một quyển sách có quá nhiều sự đặc biệt. Đặc biệt về người kể truyện – Thần Chết – một Thần chết có khiếu hài hước. Mình thấy việc này lột tả được một điều mà không cần quá nhiều sự miêu tả bom đạn, chết chóc, vẫn hiện lên sự tàn khốc khủng khiếp của chiến tranh – khi Thần chết ghê sợ cái chết. Điều đặc biệt thứ hai là văn phong của quyển sách này, mới đầu đọc, mình đã phải thốt lên lạ quá, câu từ, cách kể, rồi cả cách phân chia, in đậm các câu văn. Vì nó lạ nên nó thu hút mình. Phải nói là tác giả miêu tả không như một nhà văn, mà như một họa sĩ, từ màu sắc, đường nét, một cách viết giàu hình ảnh. Điều đặc biệt tiếp theo, một quyển sách hiếm hoi mình nhớ và yêu mến những nhân vật phụ hơn nhân vật chính.

Đầu tiên, nói về Liesel, như đã nói ở trên, mình không ấn tượng nhiều với nhân vật này. Không thể nói Liesel là một đứa trẻ ngoan hay dễ thương. Nó ương ngạnh, ngang bướng,  sẵn sàng cùng cậu bạn thân Rudy tham gia vào một vài “vụ trộm” với những đứa trẻ khác. Nhưng, một đứa trẻ trong thời kỳ đó thì cũng khó lòng mà đòi hỏi được. Liesel cũng có một trái tim ấm áp, và một tâm hồn tha thiết với “ngôn từ”. Liesel có những quyển sách của mình, vừa được tặng, vừa là đồ mà nó lấy trộm được. Những cuốn sách đã giúp cô bé kết nối với mọi người, và cuối cùng, chính cuốn sách đó đã cứu Liesel khỏi cái chết.

Hans Hubermann, bố nuôi của Liesel, một người mà mình yêu ngay từ lúc ông xuất hiện. Ông dịu dàng, điềm đạm, ấm áp và hết đỗi ân cần. Ông yêu thương Liesel như một người cha thật sự. Ông kiên nhẫn dạy Liesel học chữ, thổi đàn xếp cho cô nghe, cố gắng mua tặng sách cho cô vào dịp Giáng Sinh. Cứ đọc đến đoạn hai cha con là mình lại thấy bình yên. Nó như một màu xanh biếc phủ lên khung cảnh xám xịt u ám của chiến tranh.

Ban đầu mình có cảm tình với Hans như thế nào, thì mình ghét Rosa nhiều như thế. Thô lỗ, cộc cằn, con người “sở hữu khả năng hiếm có trong việc chọc tức hầu như bất cứ người nào mà bà gặp”. Mình đã phải thốt lên rằng tại sao một người như Hans lại lấy phải một người như Rosa. Nhưng mình đã sai, mình đã phán xét người khác quá sớm. Dù cho Rosa có hay cằn nhằn, có chửi Liesel là “đồ con lợn”, thỉnh thoảng có gõ cho cô bé vài cái, thì Rosa cũng vẫn yêu Liesel hết lòng. Một tình yêu không nói bằng lời, mà thầm lặng “và Mẹ có thể nói cho con biết một điều, con gái ạ, đấy là Mẹ sẽ không để con bị ốm đâu.” Bà suốt ngày kêu than về nghèo đói, tiền bạc, nhưng bà không ngại ngần cho Max ở lại nhà mình trong thời kỳ khó khăn nhất. Bà lớn tiếng với Hans suốt ngày, nhưng những lúc cần, bà vẫn ủng hộ ông. Rồi cái lúc bà ngồi ôm cây đàn xếp của ông khi Hans phải rời nhà. Mình nhớ như in cái lúc Rosa đến báo tin cho Liesel biết Max còn sống, bà diện bộ cánh đẹp nhất của mình với nụ cười khinh bỉ nhoe nhoét son môi, nhưng mái tóc bà lại là một đống bù xù để có cớ mà la hét chửi bới Liesel làm mất cái lược, “Anh ấy đã tỉnh dậy, Liesel. Anh ấy đã tỉnh dậy rồi.” Mình vừa cười vừa khóc, dù Rosa có làn da khô quắt cứng quèo như bìa cát tông, thì với mình, bà vẫn đẹp như một ngôi sao Hollyhood.

Cuốn sách lấy bối cảnh ở Đức, điều đó dĩ nhiên có nghĩa, tất cả dân Đức đều BỊ BUỘC phải ghét người Do Thái. Đừng nói đến việc bạn chứa chấp một người Do Thái, ngay đến việc tỏ ra một chút lòng thương cảm thôi, cũng đã là điều cấm kỵ. Và nhà Hubermann, đã chứa chấp Max – một tay đấm Do Thái trong tầng hầm nhà mình, một bản án tử cho tất cả nếu bị phát hiện. Đó không chỉ là lời hứa của Hans với cha Max, mà còn là tình thương giữa người với người. Max là đại diện cho số phận khổ cực phải lẩn trốn suốt cuộc đời của dân Do Thái, mà đó vẫn còn là điều tuyệt vời mà anh được nhận, so với hàng dài người bị kéo lê trên đường, tra tấn đánh đập và thảm sát dã man.

Liesel cũng có tình bạn đặc biệt của riêng mình, bất chấp thời kỳ loạn lạc. Tình bạn với Rudy – một thằng bé kỳ lạ, gầy nhẳng vì lúc nào cũng đói – lúc nào cũng muốn Liesel hôn mình, nó đã yêu con bé và có một điều chắc chắn rằng Liesel là mối bận tâm lớn nhất của nó, nó có thể bất chấp cả dòng nước lạnh mùa đông, bị đánh cho bầm dập để bảo vệ con bé. Và cho dù rất nhiều thời gian nó không hiểu con bé đang làm trò điên rồ gì, nó vẫn sẵn lòng đồng hành và giữ cho con bé an toàn. Cái tình bạn ngây thơ, trong sáng mà ai cũng muốn giữ gìn. Giữa nơi “Thiên Đàng” lạnh giá và tuyệt vọng – con phố mà chúng nó sống, nó làm cho mình cảm nhận được vẫn còn sự sống nơi đây. Nhưng đáng tiếc thay, điều nó mong chờ trong suốt những năm làm bạn với Liesel, chỉ nhận được khi xác nó đã lạnh ngắt. Và Thần chết phải thốt lên rằng: “Nó đã giày xéo lên trái tim tôi. Nó đã làm tôi bật khóc.”

Những phần cuối cùng làm mình không thể không khóc. Nó quá buồn. Liesel vẫn sống, Max vẫn sống, nhưng, có những điều còn đau đớn hơn mà niềm vui nhỏ nhoi ấy không thể lấp đầy.

Cuốn sách lấy điểm nhìn nước Đức và Hitler qua con mắt của người Đức. Ở đó, bạn có thể hiểu được nhân dân Đức trong thời kì đó cũng phải chật vật sống cùng cái đói, cũng bị cưỡng ép phải chống lại Do Thái. Bên cạnh những người “một lòng một dạ” trung thành với cái ác, với Hitler, thì đâu đó, vẫn có những Hans, những Rosa, và cả những Liesel nữa!

Trích dẫn nổi bật của sách:

1, “Sau đây là một thực tế nho nhỏ: Bạn sẽ chết.”

2, “Phải, tôi thường nhớ đến đứa bé gái ấy, và một trong rất nhiều hàng túi của mình, tôi đã lưu giữ câu chuyện của nó để kể lại. Đây chỉ là một thứ rất nhỏ trong nhiều thứ mà tôi mang theo bên mình, mỗi cái đều phi thường theo cách riêng của nó. Mỗi cái đều là một cố gắng – một nỗ lực tột bực – để chứng tỏ với tôi rằng, bạn, và sự tồn tại của loài người các bạn trên cõi đời này, là đáng giá.”

3, “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”

4, “Tôi những muốn hỏi bà ấy làm sao mà một giống loài lại có thể vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa vừa thần diệu đến thế.”

5, “Con bé lại đi một vòng và lặp lại hành động ấy một lần nữa, lần này chậm hơn rất nhiều, tay nó để xuôi, cho lòng bàn tay nó cảm nhận được từng quyển sách một. Nó có cảm giác như một phép màu, như cái đẹp, như những tia sáng chiếu xuống từ một ngọn đèn treo. Có vài lần con bé đã gần như rút một quyển sách ra mà không dám. Chúng quá hoàn hảo.”

6, “Hẳn rồi, chiến tranh có nghĩa là chết chóc, nhưng nó luôn khiến cho mặt đất dưới chân người ta trở nên chao đảo khi cái chết ấy là của một người đã từng sống và hít thở gần bạn đến như thế.”

7, “Lời nhắn nhủ cuối cùng từ người kể truyện của bạn: Tôi bị ám ảnh bởi những con người.”

Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.