Ánh sáng vô hình – Anthony Doerr – Một góc nhìn khác về chiến tranh – những câu chữ không bao giờ mất đi sức lay động.
Đôi nét tác giả Anthony Doerr:
Anthony Doerr là nhà văn Mỹ, từng theo học chuyên ngành lịch sử, chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông tốt nghiệp Đại học năm 1995 và nhận bằng MFA (cử nhân nghệ thuật) của đại học Bang Bowling Green.
Ông đã giành rất nhiều giải thưởng cả ở Mỹ và nước ngoài, trong đó có 4 giải O.Henry, 3 giải Pushcart, giải thưởng Rome, giải Young Lions dành cho tiểu thuyết giả tưởng của Thư viện công New York, giải Tạp chí Quốc gia Hoa Kỳ cho tiểu thuyết giả tưởng, giải thưởng Guggenheim Fellowship, và giải sách thường niên Story Prize.
Ông sinh ra và lớn lên ở Cleveland, hiện đang sống cùng vợ và hai con trai tại Boise, bang Idaho, Mỹ.
Các tác phẩm tiêu biểu: The Shell Colletor (2002), Memory Wall (2010), About Grace (2004), Four Seasons in Rome (2007).
Đôi điều cảm nhận về sách Ánh sáng vô hình:
Đầu tiên, mình muốn nói về cái tên “Ánh sáng vô hình” được dịch rất hay từ tên gốc “All the light we cannot see”. Lúc đầu mình cũng không hiểu tiêu đề lắm, lúc đọc xong mình cũng vẫn hoang mang. Mình có nghĩ lẽ nào “vô hình” ở đây là một mặt khác, bộ mặt không được chú ý nhiều của chiến tranh, những con người nơi hậu phương, ở đó nhưng vô hình trước những trận chiến để đời, trước những lãnh tụ “vĩ đại”, trước những bạo tàn khói lửa. Nhưng thật ra, Ánh sáng vô hình ở đây là một ẩn ý của tác giả mang hơi hướng Vật lí, đó là sóng radio. Sóng radio truyền tin, sóng radio liên kết mạch truyện, sóng radio làm cầu nối các nhân vật. Nó “vô hình” nhưng quan trọng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Marie – Laure và Werner Pfennig. Marie, một cô gái mù bỏ trốn cùng cha tới Sant – Malo khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Paris. Họ tới nhà một người chú sống ẩn dật, tách biệt khỏi chính biến, đem theo viên đá quý được đồn chứa một lời nguyền giáng tai họa lên đầu kẻ nào giữ nó bên mình. Werner, một thiếu niên người Đức, một thần đồng sửa chữa điện đài, được đưa vào Đoàn thanh niên Hitler, nơi họ biến trí tuệ của cậu thành vũ khí hủy diệt, và cậu sa chân vào trận chiến.
Cách kể đan xen giữa quá khứ, hiện tại. Đan xen giữa các tuyến nhân vật từ phụ đến chính. Chính cách kể này đôi lúc làm mọi người hơi bối rối vì mốc thời gian và tuyến nhân vật nhảy loạn cả lên. Nhưng cứ từ từ đọc, rồi câu chuyện sẽ thành hình. “Mở đầu bằng hai bối cảnh trái ngược nhau, nhưng gần kề nhau. Những nhân vật khác nhau, những cá tính, hoàn cảnh, suy nghĩ, và ước muốn khác nhau. Rồi ngược về quá khứ, mở ra những lát cắt của lịch sử, với những sự kiện xô đẩy hình thành nên tính cách con người, những biến cố chiến tranh ảnh hưởng tới phận người nhỏ bé. Sau đó lại quay ngược trở về hiện thực, dần dần đưa các khung cảnh lại gần nhau, những nhân vật tiến về phía nhau. Để rồi hợp nhất, tạo thành bức tranh tổng thể hoàn chỉnh, với các nhân vật gặp nhau, va chạm nhau, tấn công nhau và yêu thương nhau. Gần, xa, rồi lại gần. Hiện tại, quá khứ, và hiện tại.” (Rosie Nguyễn)
Nhịp điệu nhiều chỗ khá đều đều chậm chạp, lắm lúc còn hơi dài dòng. Nhưng càng về cuối càng nhanh và cuốn hút. Đây rõ ràng không phải là cuốn sách dễ đọc. Nhưng bất chấp điều đó, mình vẫn say sưa cho đến trang cuối cùng.
Marie là một cô bé mảnh khảnh, tóc nâu vàng với khuôn mặt đầy tàn nhang. Marie không mù bẩm sinh mà do một căn bệnh năm cô 6 tuổi gây nên. Với mình, đẹp biết bao nhiêu khi ngoài kia là chiến tranh, là bom đạn, nhưng Marie vẫn lần giở từng trang “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, tưởng tượng mình trong chuyến phiêu lưu. Nhưng cũng chạnh lòng biết bao khi Marie phải chịu cảnh cha bị bắt vì nghi ngờ là gián điệp, suốt nhiều tháng ròng chỉ biết những lời nói dối an ủi của cha qua những lá thư, và đến tận cuối cuộc chiến vẫn không biết số phận của cha mình như thế nào.
Cuộc đời của Werner, một chặng đường giằng xé nội tâm, hoang mang, trăn trở. Mình hiểu được suy nghĩ rất con người của Werner. Cậu yêu khoa học bất chấp nó có trở thành phương tiện hủy diệt trong chiến tranh. Cậu yêu em gái và cậu là người bạn thân của Frederick. Nhưng cậu cũng rời xa em gái, gia nhập Đội thiếu niên Hitler để trở thành cái máy giết người, và cậu không hề bênh vực khi Frederick bị bắt nạt. Có những lúc cậu yếu đuối, hèn nhát như thế. Điều đó làm mình tự hỏi nếu lúc ấy là mình, mình sẽ làm gì? Có thể mình còn tệ hơn thế. Nhưng bản ngã vẫn là bản ngã, mặc cho mọi điều cậu đã làm, cuối cùng cậu đã chọn đi theo trái tim mình. Đến cùng, lòng thiện tâm và lẽ phải mà cậu đã từng tin tưởng đã giúp cậu đi đúng hướng.
Mặc dù không phải nhân vật chính, nhưng Frederick để lại quá nhiều ấn tượng trong mình. Một con người can đảm, dám đấu tranh, và đắm say những loài chim nước Mỹ. Một người dám sống đúng với chân lý mà mình tin tưởng dù cho có bị bắt nạt, đánh đập ở cái nơi “kẻ yếu sẽ bị đào thải, còn kẻ mạnh nhất mới là người bất khả chiến bại”. Nhưng mình quá đau lòng khi giờ cậu chỉ có thể ngồi ngẩn ngơ trong cái xác không hồn, đợi người khác đút cho từng miếng cơm. Nhưng sự thật là thế, một câu chuyện của vô vàn con người trong thời chiến chứ không phải một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nó có thể là một chuyện cổ tích, nhưng chỉ nửa đầu thôi!
Có thể nói định mệnh cho Marie gặp Werner, nhưng đến cuối cùng là sự lựa chọn. Không sến súa, không ngôn tình, cũng chẳng gay cấn nghẹt thở. Tình yêu chỉ thế thôi, chỉ một ngày quan sát, ngồi cạnh nhau một đêm, nói vu vơ vài câu. Để rồi Werner quyết định phải cứu Marie, dù cho có phản bội Tổ quốc mình. Cậu thà đặt lòng tin vào một người gần như xa lạ còn hơn tiếp tục làm thuộc hạ của một đế chế giả dối. Mình đã thấy rất nhiều hi vọng ở đây, chính cái lúc này, để rồi bàng hoàng khi nhận ra mình đã quá mơ mộng. Không cần mưa bom lửa đạn, không cần thây phơi đầy đường, chỉ một hành động của Werner thôi, mình đã biết chiến tranh tàn bạo thế nào.
Tác giả còn đề cập đến hậu phương, quang cảnh nơi mọi người vẫn phải sống dù chiến tranh có hằm hè ngay trước mặt. Rồi những hành động chọc phá lính Đức, tìm cách truyền thông tin rất hay ho của các bà người Pháp ở Saint Malo.
Và trên hết, còn gì lại sau một cuộc chiến với những người đã may mắn trụ lại sau sự quét qua của tử thần? Nỗi đau. Một vết thương dù cho có bao lâu cũng không thể lành lại.
Nhưng, dù cho có tàn khốc thế nào, thì ở đó, trong chiến tranh, vẫn tồn tại những điều thật đẹp. Vẫn còn đó những đam mê, tình người, tình yêu, và phải chăng nó càng lấp ánh hơn? Và ở đó, những người lính Đức mà người ta hay gọi là những con quỷ hút máu người, vẫn có những con người đáng trân trọng như thế.
Trích dẫn nổi bật của sách:
1, “Các cậu phải rũ bỏ sự yếu đuối, nhút nhát, lưỡng lự. Các cậu sẽ như một dòng thác, một loạt đạn – các cậu sẽ cùng tràn về một phía với một tốc độ như nhau cùng hướng đến một mục tiêu chung. Các cậu sẽ từ bỏ sự tiện nghi; các cậu sẽ chỉ sống với trách nhiệm mà thôi. Các cậu sẽ ăn vì đất nước và thở vì dân tộc.”
2, “ ‘Tôi có thể ăn thịt lợn muối xông khói’, cô nói.
‘Gì?’
‘Tôi có thể ăn cả một con lợn.’
Cậu cười. ‘Tôi có thể ăn cả một con bò’.”
3, “Tất cả chúng ta đều đến với thế giới này như một tế bào đơn bội, nhỏ hơn cả một hạt bụi. Nhỏ hơn nhiều. Phân chia. Nhân lên. Công và trừ. Vật chất trao đổi, dòng nguyên tử đến và đi, phân tử xoay chuyển xung quanh, protein kết dính lại với nhau, ty thể điều hòa trạng thái oxy hóa khử của tế bào; chúng ta khởi nguồn như một đám điện tử cực nhỏ. Phổi, bộ não, trái tim. Bốn mươi tuần sau, sáu nghìn tỉ tế bào nhồi nhét chui ra khỏi tử cung của mẹ và chúng ta gào lên. Rồi thế giới của chúng ta bắt đầu.”
4, “Khi tôi mất thị lực, Werner, mọi người nói tôi dũng cảm. Khi cha tôi đi mất, mọi người nói tôi dũng cảm. Nhưng đó không phải là sự dũng cảm; tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi tỉnh dậy và sống cuộc đời của mình. Chẳng phải anh cũng làm như vậy sao?”
5, “Cậu ấy nhận ra điều mà những người khác không thấy. Chiến tranh đã làm gì với những kẻ mộng mơ.”
Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.