Mắt biếc – Nguyễn Nhật Ánh – Câu chuyện của kẻ si tình.
“Ngày cô ấy đi theo nơi phồn hoa
Chàng trai bơ vơ từ xa trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì
Không ai hiểu thấu vì
Tình yêu những đứa trẻ con thì
Vu vơ nhanh qua đâu nghĩ gieo Tương tư đến dài như thế.
Đời muôn ngả mang số kiếp đổi thay
Rồi khi tình cờ gặp lại hai thân phận khác dẫu tên người vẫn vậy,
Có một người vẫn vậy
Thì ra xa nhau là mất thôi
Tay không…chung đôi chỉ giấc mơ vẫn còn bồi hồi trọn đời. “
( Phan Mạnh Quỳnh)
Mình là một fan bự của bác Ánh từ khi còn học cấp 2, cái thời mà cũng ngây ngô trẻ con, chưa có nhiều suy tư trăn trở sự đời. Lúc đấy đọc truyện bác thấy vui vẻ đơn giản lắm, có cuốn buồn đấy mà cũng không thấy day dứt gì đâu. Đọc “Mắt biếc” xong có những suy nghĩ bây giờ thấy đúng là cái thời non nớt ngây thơ. Truyện bác Ánh chuyển thể thành phim nhiều rồi, phim nào cũng nổi rần rần hết. Gần đây thì có “Mắt biếc” , mình đọc cách đây cũng lâu nhưng mà đột nhiên nổi quá nên mình cũng muốn viết một chút về nó, cho Ngạn, cho Hà Lan, và cho Trà long nữa. Cùng mình xem review bản tình ca buồn “Mắt biếc” nhé.
Đôi nét tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh ( 7-5-1955) sinh tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh có nhiều sáng tác từ truyện dài đến truyện ngắn, tạp văn, thơ. Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng.
Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Các tác phẩm tiêu biểu: Kính Vạn Hoa, Trại hoa vàng, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hạ đỏ, Hoa hồng xứ khác, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Còn chút gì để nhớ…
Đôi điều cảm nhận về sách Mắt biếc
“Mắt biếc” viết về Ngạn và Hà Lan, cùng lớn lên ở làng Đo Đo, Ngạn yêu Hà Lan từ khi còn là một cậu bé, Ngạn say đắm đôi mắt biếc- đôi mắt long lanh như bầu trời của cô. Rồi khi lớn lên, Ngạn vẫn ôm mối tình đơn phương ấy, nhưng Hà Lan, sau khi đặt chân lên chốn phồn hoa đô thị, đã đem lòng yêu Dũng-một chàng trai sành điệu, cũng rất đa tình. Trải qua bao nhiêu biến cố, người Hà Lan chọn vẫn không phải Ngạn. Đọc “Mắt biếc” , mình giận đó, rồi hiểu, rồi thương. Mình thấy bác Ánh kết rất hợp lí, nó phải là như vậy, không thể nào khác được.
Văn phong của bác Ánh lúc nào cũng vừa đủ, giản dị vừa đủ, hài hước vừa đủ, chân chất vừa đủ. Cái đủ làm người ta vừa lòng. Cốt chuyện thường khá đơn giản, luôn là những câu chuyện gần gũi mộc mạc của tuổi mới lớn với đủ vui buồn, hờn giận, những câu chuyện khiến bất kì ai đọc cũng thấy mình trong đó. Giọng văn chân chất của người Quảng Nam dễ làm người ta cảm mến, muốn đọc, muốn thương. Trong “Mắt biếc” , ngoài cái chất giản dị mộc mạc đó, còn có chất trữ tình nên thơ. Bác tả làng Đo Đo yên bình quá, thơ mộng quá. Mình đọc mà cũng nghĩ về quê mình, chỉ là mình không có cái tài tả cảnh sinh tình như bác.
Có nhiều bạn đọc yêu quý Ngạn, mong Ngạn hạnh phúc. Còn mình, thú thật là mình không thích Ngạn, mình chỉ thương Ngạn. Mà thương ở đây không phải thương yêu, là thương hại. Ngạn có những điều rõ ràng đáng trân trọng, cậu yêu làng Đo Đo, luôn đau đáu về làng. Cậu yêu Hà Lan, chân thành, si tình đến nỗi mình luôn nghĩ giờ còn ai như vậy không. Kiểu Ngạn là tượng đài của những chàng trai chung tình rồi. Nhưng tình của chàng ta lại là tình đơn phương, đùng kiểu:
“Yêu, là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”
Hà Lan thì biết đấy, biết Ngạn yêu mình. Dù cho Ngạn hèn nhát đến nỗi lời yêu cũng không nói nổi. Ngạn thật sự không có cái gọi là dũng cảm, sợ thì cứ sợ đi, nhưng làm vẫn phải làm, phải nói ra. Mình bị khó chịu với kiểu nhân vật nhu nhược thế. Rồi thì sống trong quá khứ hoài, theo đuổi, à không, đối với Ngạn thì không được gọi là theo đuổi, chỉ là ngồi đó, và nhìn, nhìn cuộc đời Hà Lan, và đợi, mà cũng chẳng biết đợi gì. Mình cảm thông cho tình cảm của Ngạn, nhưng mình không thể thích được kiểu yêu đó.
Còn về Hà Lan, khi bé mình đọc mình cũng giận lắm, giận sao không yêu Ngạn, sao nhiều lúc vẫn cho Ngạn hi vọng, sao cứ thích chốn phồn hoa đô thị, sao dễ quên hết những kỉ niệm xưa. Nhưng giờ thì mình hiểu rồi. Hà Lan chẳng có lỗi gì nhiều trong truyện này. Tại sao người ta yêu mình thì mình phải đáp lại, tại sao không được thích chốn đô hội xa hoa, cuộc đời là của cô, lựa chọn cũng là của cô. Mình thấy Hà Lan còn dũng cảm gấp nhiều lần Ngạn, ít nhất là dám sống thật với cá tính của mình.
Đọc truyện này mình tiếc lắm, nhưng không phải tiếc cho mối tình của Ngạn và Hà Lan, mà là tiếc cho Trà Long, một cô gái cũng yêu làng Đo Đo da diết, cũng xứng đáng có được tình yêu của Ngạn vậy. Nhưng, giống như Hà Lan không yêu Ngạn, thì Ngạn cũng không yêu Trà Long. Dù sao thì Ngạn cũng vớt vát được chút dũng cảm khi quyết định không đến với Trà Long, bởi nếu làm thế, thì đến cuối cùng, đấy cũng không phải tình yêu. Dù cho người bị tổn thương lại làm tổn thương người khác, nhưng thà đau một lần rồi thôi.
Mình nhớ đến ngày xưa có xem video “Con gái thích trai đểu” của An Nguy, ừ thì Ngạn chung tình, chân thành như thế, Hà lan không yêu, mà lại yêu Dũng, một thằng cũng chẳng ra gì. Nhưng rõ ràng Hà Lan và Ngạn sinh ra không để dành cho nhau. Hà Lan với Ngạn là 2 loại người khác nhau, Ngạn yêu quê, yêu làng, yêu một cuộc sống bình dị, còn Hà Lan thì khác, cô ấy yêu sự phồn hoa nơi phố phường, sự hào nhoáng của con người chốn thành thị, 2 người này nếu như đến với nhau thì ai cũng sẽ không được hạnh phúc. Hơn nữa, cũng không dễ gì cho Hà Lan khi yêu một người biết quá rõ về mình, cả những sai lầm, khờ dại thuở xưa. Người ta có xu hướng quên đi những lỗi lầm, và cách dễ nhất là tránh xa những người gợi lại những lỗi lầm ấy.
“Có những buổi chiều ta nhìn em kinh ngạc
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly
Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước”
Trích dẫn nổi bật của Mắt biếc
1, “Tội nghiệp Trà Long, tội nghiệp cháu vô cùng. Ngày mai khi cháu nghe thấy tiếng còi tàu thì chú đã ở xa ngoài năm trăm dặm. Có một bài hát đã hát như thế, chú đã nghe bài hát này nhiều lần nhưng không bao giờ nghĩ bài hát đó lại hát cho chú và hát cho người chú yêu dấu. Ngày mai khi cháu đến tìm chú hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đã bắt đầu ứa máu, nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng dù sao lúc ấy cháu sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc…”
2, “Tôi không thể bắt Hà Lan phải giống tôi. Tôi khác. Không ai bắt tôi phải hoài vọng kỷ niệm. Không ai bắt tôi phải nhớ da diết cái làng nhỏ xa xăm của mình mỗi khi chiều xuống. Không ai bắt tôi đêm nào cũng mơ thấy bóng trăng tuổi thơ treo lơ lửng trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý.
Những điều đó xảy đến một cách tự nhiên, cũng giống như hồi học lớp chín, một hôm nhìn vào mắt Hà Lan, lần đầu tiên tôi cảm thấy lòng mình dậy sóng. Mà chẳng hiểu vì sao”
3, “Hay em lo tôi thương hoài ngàn năm, lấy em chẳng đặng, tôi chẳng lấy ai”
4, “Trà Long đứng đằng sau lưng tôi tự hồi nào. Khi tôi buông đàn, nó khẽ đặt tay lên vai tôi bồi hồi không nói. Lâu thật lâu, nó mới hỏi, ngậm ngùi:
– Có phải chú hát về mẹ cháu ?
Câu hỏi kề bên mà nghe như ảo ảnh, như có như không. Tôi đáp và nghe tiếng lòng mình từ xa xăm vọng lại:
– Bản nhạc nào chú cũng hát về mẹ cháu.”
Review by GenBooks.Net – Các thánh copy vui lòng dẫn nguồn đầy đủ.